Phóng sự - Ký sự

Nỗi đau khôn cùng: Thảm kịch 'tay, chân'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từng là người thân ruột thịt nhưng vì không kiềm được cơn giận dữ, họ đã ra tay sát hại lẫn nhau. Thế rồi, người mất mạng, kẻ đi tù. Tội nhất là những đứa trẻ vô tội phải sống cảnh bơ vơ...
Sau vụ xô xát người chết, kẻ đi tù, căn nhà của anh em Hậu, Phương bị bỏ hoang phế, cỏ mọc um tùm ẢNH: LAM NGỌC
Sau vụ xô xát người chết, kẻ đi tù, căn nhà của anh em Hậu, Phương bị bỏ hoang phế, cỏ mọc um tùm ẢNH: LAM NGỌC
Ông bà xưa có câu: “Anh em như thể tay chân...”, vậy mà thực tế cũng có chuyện “tay, chân” huyết chiến: em đâm chết anh ruột và chị dâu...
Câu chuyện buồn xảy ra tại ấp Kiên Hảo (xã Mỹ Hiệp Sơn, H.Hòn Đất, Kiên Giang) cách đây không lâu. Theo người dân ở đây, cuộc xô xát rất kinh hoàng, họ nghe thấy tiếng chửi thề, tiếng la ó và cuối cùng là máu đổ. Chị Triệu Thị Li Na ôm đứa con 8 tháng tuổi gục chết trên đống đá. Anh Danh Thanh Hậu (chồng chị) sau vài giây chết đứng vì thấy vợ bị đâm liền điên cuồng lao vào em ruột Danh Thanh Phương nhưng cũng bị người em lấy chĩa đâm và dùng đá đập chết.
Sau thảm kịch, anh Hậu được chôn sau vườn, gần mộ ba mẹ anh. Xác chị Li Na (vợ anh) được gia đình ngoại xin về mai táng theo phong tục. Còn anh Phương (em ruột anh Hậu) sau khi thụ án tử hình, xác cũng được đưa về kế mộ ba mẹ… Xóm nghèo thêm hai ngôi mộ mới càng buồn thảm hơn.
Thảm cảnh đau lòng
Thắp nén hương lên mộ em và ba mẹ, anh Danh Thanh Long (anh thứ hai trong gia đình) dẫn chúng tôi vào nhà. Hai ngôi nhà của anh Hậu và anh Phương lạnh lẽo, bát hương đổ không ai dựng lên, bàn ghế, tủ giường nghiêng ngả, mấy tấm tôn lợp nhà xô nhau rơi xuống đất.
Giữa đống ngổn ngang, anh Long trầm giọng: “Phương là con út trong nhà nên anh em tôi tập trung thờ cúng cha mẹ ở đây. Ngày trước, gia đình tôi đâu đến nỗi nào. Anh em thương nhau, mỗi người một việc lo làm ăn. Hậu và Phương lúc bé thương nhau là vậy, đâu ngờ từ ngày lấy vợ lại hay cãi vã, xô xát. Lúc đầu, Hậu - Phương cũng chỉ lời qua tiếng lại nhưng mối quan hệ anh em xấu đi từ khi đứa con gần 5 tuổi của Phương lấy đồ của Hậu. Lần thứ nhất đứa trẻ lấy tiền, lần thứ hai nó lén lấy điện thoại mới mua của Hậu giá 1,2 triệu đồng”.

Bé Danh Thị Mỹ P. (con anh Danh Thanh Phương) hiện đang ở với dì ẢNH: LAM NGỌC
Bé Danh Thị Mỹ P. (con anh Danh Thanh Phương) hiện đang ở với dì ẢNH: LAM NGỌC
Hàng xóm cho hay anh em Hậu - Phương xích mích cũng vì việc chia đất của gia đình không theo ý muốn. Dù được cha mẹ cho nhiều đất hơn nhưng Phương vẫn luôn so tính với Hậu, từ đó, anh em hằn học lẫn nhau, có chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng vác cây, xách dao rượt nhau. Hàng xóm can ngăn, ban quản lý ấp cũng hòa giải nhiều lần nhưng không cải thiện.
Bản thân anh Long cũng từng bị Phương xách dao rượt chém vì nghe lời xúi giục của vợ. Bởi vậy nên hơn ai hết anh biết Nga - vợ Phương là người phụ nữ không vừa: “Nó thường xúi chồng cầm dao chém người này người kia. Chứng kiến anh em đánh nhau tôi cũng nhiều lần gọi Hậu, Phương khuyên nhủ. Nghe tôi, hễ có xung đột là Hậu tránh mặt. Nhưng Phương thì ngược lại ngày càng lấn lướt”.
Cho tới khi hàng xóm nghe chị Li Na rêu rao chuyện đời tư của em dâu (chị Nga - PV) thì mâu thuẫn bị đẩy lên cực điểm và kết cục là xảy ra xô xát.
Sau khi giết chết vợ chồng anh trai, anh Phương cùng chị Nga ngồi lại hiện trường để công an bắt. Dù gia cảnh rất nghèo, ông ngoại mấy đứa trẻ cũng cam kết sẽ cố gắng nuôi nấng ba đứa cháu côi cút.
“Con của kẻ sát nhân”
Sau khi anh Phương và chị Nga bị bắt, 3 đứa con trở thành trẻ mồ côi và bị gắn mác “con của kẻ sát nhân”. Cái mác ấy khiến những đứa trẻ phải đối mặt với ánh mắt soi mói từ cộng đồng và cả những người thân ruột thịt.

Bà Võ Thị Sương (53 tuổi, chị vợ của anh Danh Thanh Phương) hiện đang nuôi các cháu ẢNH: LAM NGỌC
Bà Võ Thị Sương (53 tuổi, chị vợ của anh Danh Thanh Phương) hiện đang nuôi các cháu ẢNH: LAM NGỌC
Ba tuần sau xô xát của gia đình họ, tôi đến thăm mấy đứa bé con anh Phương (được gửi ở tạm nhà người bác để tránh kỳ thị từ hàng xóm). Bé Danh Thị Mỹ P. (con gái anh Phương) lúc này mới 13 tháng tuổi, chưa biết tới biến cố của gia đình nên vẫn hồn nhiên tươi cười đùa nghịch với mấy chú gà con trong sân.
6 năm trôi qua, vừa rồi tôi lại tìm gặp em P. (lúc này đã là học sinh lớp 2). Vẫn đôi mắt to tròn ngày xưa nhưng không có một nụ cười nào. Từ lúc thấy người lạ em chạy biến. Hỏi chuyện em chỉ im lặng, ánh mắt lấm lét đầy dò xét...
Hỏi bà Võ Thị Sương (53 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, Tân Thành, Tân Hiệp, Kiên Giang) dì ruột của P. cũng là người đang nuôi nấng 3 đứa trẻ con anh Phương - chị Nga, mới biết trải qua biến cố gia đình những đứa trẻ lưu lạc và bị nhiều người kỳ thị. “Người ta bảo tụi nó là con của kẻ giết người nên không thiện cảm”. Nhiều năm sống dưới cái nhìn khắc nghiệt đó chúng trở nên rụt rè và tự ti.
Bà Sương kể: “Từ khi vợ chồng Nga đi tù 3 đứa trẻ về ở với bác ruột. Nghĩ rằng, mọi chuyện cũng tạm ổn ai ngờ bị bạn xa lánh, kỳ thị nên con A. (con gái lớn của anh Phương, nay đã 16 tuổi - PV) bỏ nhà bác chạy sang nhà tôi. Lúc ấy, dù thương cháu nhưng cũng không thể nhận nuôi ngay nên cho cháu ăn uống xong tôi đưa A. về xin lỗi bác để ở cùng với em”.
Chuyện A. bỏ về nhà dì cứ lặp đi lặp lại. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, bà Sương và ông Bùi Văn Mót (51 tuổi, chồng bà Sương) đồng ý nuôi các cháu. Bằng đồng tiền ít ỏi bán rau, xịt thuốc mướn, vợ chồng ông Mót đã nuôi và cho 3 đứa con chị Nga ăn học đàng hoàng. “Tôi hy vọng cái chữ sẽ giúp các cháu tôi đủ thấu hiểu để vững vàng, hiểu được đạo lý phải trái và sống làm người có ích”.
Nhờ suy nghĩ thấu đáo của gia đình dì, P. và N. được ăn học đàng hoàng. Còn A. khi đủ 16 tuổi, cái tuổi đầy nhạy cảm của một thiếu nữ mới lớn, đã rời quê lên Đồng Nai làm công nhân. Em hy vọng một miền đất mới xa xôi có thể giúp em chôn vùi quá khứ có cha mẹ là những kẻ giết người. (còn tiếp)
Những tưởng sau biến cố “nồi da xáo thịt” anh Hậu mất mạng, anh Phương bị xử tử hình, hai người anh em còn lại trong gia đình sẽ ngồi với nhau bàn bạc việc sử dụng phần đất của anh Hậu, anh Phương để lại. Nhưng 6 năm nay mảnh đất thênh thang ấy cùng với 2 ngôi nhà vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm không người thuê mướn. Tờ giấy xác nhận 3 đứa con anh Phương là trẻ mồ côi vì lý do nào đó cũng bị thất lạc... Điều này khiến gần 5 năm nay, mấy đứa con anh Phương không còn nhận được tiền trợ cấp từ chính quyền.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”
Trước sự hung bạo, chửi rủa, dùng dao rượt chém anh mình, “nhịn” là từ mà tổ hòa giải, bà con trong xóm, anh em của Hậu luôn khuyên. Tuy nhiên, từng tư vấn hàng ngàn trường hợp, bà Quỳnh Đông, cựu Trưởng ban Hôn nhân gia đình Báo Phụ Nữ TP.HCM, cho rằng nhịn chỉ có tác dụng đôi ba lần chứ không thể kéo dài. Vì nhịn hoài nhưng vợ chồng người em chồng (Phương và Nga) cứ lấn lướt, nên vợ anh Hậu tuy không dám đối đầu trực tiếp, đã “xì” sự ấm ức của mình qua việc thầm thì với chòm xóm chuyện đời tư vợ của Phương. Kết cục đã dẫn đến cuộc thảm sát đẫm máu giữa hai anh em.
“Giá như qua một thời gian dài, nhịn hoài nhưng vẫn thấy người em trai không sửa đổi thì vợ chồng anh Hậu nên rời nơi đang ở để tránh xung đột. Đáng tiếc, họ không chỉ tiếp tục ở lại mà còn “đổ dầu vào lửa” qua việc “nói xấu”. Dĩ nhiên, dọn đi nơi khác sinh sống sẽ khá khó khăn nhưng lại là một giải pháp an toàn, sau khi mọi biện pháp khác (chính quyền, chòm xóm khuyên răn, phân xử; anh Hậu cũng chấp nhận chịu nhịn) không hiệu quả”, bà Quỳnh Đông nói.
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm