Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.

Nỗi ám ảnh bị hành hung

Đối với các bác sĩ, nhất là những bác sĩ trực cấp cứu, ngoài áp lực thường trực trong công việc thì nỗi lo lớn nhất vẫn là việc bị tấn công bất thình lình. Có nhiều nguyên nhân khiến bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung, trong đó một phần xuất phát từ sự kích động của bệnh nhân (bệnh nhân quá khích, nóng tính hoặc có tiền sử tâm thần kinh…) hay sự nôn nóng của người nhà. Nhưng lo nhất là bệnh nhân có mâu thuẫn với những tổ chức, cá nhân khác dẫn đến đâm chém phải vào viện... mà vẫn bị đuổi theo. Trong khi các bác sĩ đang nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân thì những người có mâu thuẫn cứ lởn vởn bên ngoài, thậm chí xông vào tận phòng cấp cứu để tiếp tục ẩu đả, gây hấn… Những lúc như thế, nhân viên y tế luôn phải làm việc trong trạng thái căng thẳng, lo sợ và không ít người bị vạ lây.

 

Bệnh nhân đông nên nhiều y-bác sĩ thường xuyên phải làm việc quá tải. Ảnh: Đức Thụy

Những năm qua, bác sĩ Ksor Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cũng đã nhiều lần chứng kiến việc nhân viên y tế bị đe dọa. Bác sĩ Hiền chia sẻ: “Một lần, ê kíp trực gồm có tôi và một vài bác sĩ khác tiếp nhận một ca cấp cứu. Thực tế, khi đưa vào viện thì bệnh nhân đã không còn dấu hiệu sự sống. Những đối tượng đi theo bệnh nhân đều rất manh động. Chúng đứng vòng quanh bên ngoài trấn áp, đe dọa khiến các bác sĩ vô cùng lo lắng. Các bác sĩ làm hết sức mình trong khả năng cho phép và đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục cứu chữa dù biết chắc rằng bệnh nhân đã không còn hy vọng”.

Theo bác sĩ Hiền: “Đó là việc làm bất khả kháng, bởi lẽ, Trung tâm Y tế lúc đó chưa có hàng rào bảo vệ, chưa hợp đồng vệ sĩ… Trong trường hợp đó, nếu tuyên bố bệnh nhân đã chết thì không biết những đối tượng quá khích đi theo sẽ có hành động gì. Lúc ấy tính mạng bác sĩ cũng bị đe dọa. Môt lần khác, chính tôi đã chứng kiến đồng nghiệp của mình bị chém. Bản thân tôi cũng phải nhanh chóng lánh nạn nơi khác vì lớ quớ có khi cũng bị vạ lây. Rất may vết chém không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ám ảnh về mặt tinh thần thì khó tránh khỏi”.

Nhân viên y tế cần được bảo vệ

Do cơ sở vật chất xây dựng đã lâu, không có hàng rào ngăn cách khu vực cấp cứu nên khi người nhà đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku thường tiếp xúc trực tiếp với các bác sĩ, nhân viên y tế nên nhiều lúc gây khó khăn cho công tác trực cấp cứu; cản trở hoặc đe dọa, hành hung nhân viên y tế. Bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: Bản thân tôi cũng từng bị dí đánh và phải bỏ chạy… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể chạy được vì nếu đang tập trung cấp cứu cho bệnh nhân thì không thể để mặc họ nằm đấy còn mình chạy thoát thân. Tính mạng của bệnh nhân vẫn là quan trọng nhất và những lúc ấy phải tùy cơ ứng biến hoặc chấp nhận chịu trận.

 

Bác sĩ Tăng Văn Thành: “Thiết nghĩ, bác sĩ, nhân viên y tế là lực lượng lao động rất cần được bảo vệ. Nhưng bấy lâu nay, vấn đề này đang bị buông lỏng. Nhiều cơ sở y tế phải tự thuê vệ sĩ để bảo vệ… nhưng kinh phí đâu ra mà thuê nhiều, thế nên khi xảy ra chuyện cũng không kịp trở tay. Vấn đề bạo hành xảy ra trong các bệnh viện, cơ sở y tế đã và đang gây ra nỗi lo sợ cho nhân viên y tế. Chính vì vậy, rất cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo cho nhân viên y tế yên tâm làm việc”.

Bác sĩ Thành kể: “Có lần, đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bên ngoài, người thân của họ đe dọa chém. Các bác sĩ khi ấy làm việc vô cùng căng thẳng nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh. Sau khi bệnh nhân đã an toàn, các bác sĩ lại phải làm thêm một công đoạn khác là chia sẻ, an ủi và trấn an tinh thần cho người nhà giúp họ bớt căng thẳng. Rồi cũng chính cái anh chàng vác dao đe dọa chém bác sĩ khi ấy sau này lại rối rít cảm ơn, xin lỗi vì cái sự nóng tính của mình. Thực tế, các bác sĩ cấp cứu chịu rất nhiều áp lực. Áp lực không chỉ vì công việc thường xuyên quá tải mà còn bởi những lo lắng bị bạo hành, mà chuyện bạo hành nhân viên bệnh viện thì ngày càng nhiều. Có những người không chịu được áp lực đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Bản thân tôi cũng từng có ý định khôi hài là mua bộ áo giáp mặc phòng thân khi trực cấp cứu”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm