Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Nước mắt người làm quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những giọt nước mắt của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM đã gây nhiều cảm xúc trái chiều.

Chê bai, dè bỉu có, trách cứ, cảm thông có, cũng không thiếu những cảm giác tiếc nuối cho đoạn cuối một đời người đã ít nhiều tạo được ấn tượng trong công việc, từng có các phát biểu lôi cuốn, chất giọng hùng biện.

Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Thành Tài đã khóc nghẹn gửi lời xin lỗi đến mẹ và toàn thể người dân TPHCM. Ai cũng có mẹ, có cha, có người thân, bạn bè, có những tình cảm đời thường. Thật tiếc cho ông, giá như…Nhưng cuộc đời không thể giá như!.

Không gian trước mặt chúng ta thì 3 chiều mênh mông, đủ để cho chúng ta cân nhắc, ứng xử, hành động đúng, còn thời gian chỉ có 1 chiều, qua rồi không thể quay đầu. Hai chữ "giá như" không còn kịp cho ông Nguyễn Thành Tài vừa lãnh án 8 năm tù, người đã 68 tuổi xế chiều, có mẹ già 97 tuổi không biết bao giờ ra đi, giống như ngọn đèn sắp tắt…

Cũng không khác nhiều những lời nói sau cùng của "người làm quan" sau khi ngả ngựa, vướng vòng lao lý, sau những tiếng cười, câu kết uy lực của "những người làm quan" trong các buổi họp là những giọt nước mắt đời thường của họ trước phiên tòa. Cựu Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đầy quyền lực chậm chạp cầm khăn tay lau nước mắt tỏ ra hối hận việc mình làm. Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ra tòa sụt sùi gọi xin "các bác lãnh đạo" tha thứ.

Và còn nhiều, nhiều nữa "nước mắt người làm quan".

Từ người quyền thế "hét ra lửa" lúc đương thời, giữ trọng trách trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi lời phát ra là bông là đầy uy lực hay những "ông quan doanh nghiệp" như Phạm Công Danh, nguyên, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh; Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng Giám đốc VN Pharma mỗi lời phát ra từng là bông là hoa, là tiền là bạc, quyết định cơm áo, gạo tiền, số mệnh của bao người, thì lại sụt sùi, sướt mướt xin tòa giảm án.

Không thể phủ nhận, có những người vướng vòng lao lý vì một mớ trách nhiệm không rõ ràng, cơ chế kiểm soát quyền lực không nghiêm dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, có nhiều quy định, kiểm tra, báo cáo, kiểm điểm, nhưng vẫn tồn tại các "lỗ hổng pháp luật" mà nếu không có nó, người ta khó lợi dụng, kiếm chác rồi vướng vào tù tội. Nhưng trước tiên phải chỉ đúng việc, gọi đúng tên, vạch đúng mặt, tuyên án đúng người, đúng tội. Những người làm quan trở thành tội phạm, trước tiên là do cá nhân thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng đạo đức, ham lợi cá nhân.

Mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, ngay khi được giao quyền, nắm quyền phải thấy, chớ không thể khi đứng trước vành móng ngựa mới nhìn thấy.

Nói thẳng, người hùng của hôm qua, chưa hẳn là người hùng, người tốt của hôm nay và ngày mai nếu không biết rèn luyện, không ngừng phấn đấu. Cuộc chiến trước kẻ thù giấu mặt vô cùng phức tạp, cực kỳ gay cấn, một mất một còn vẫn đang tiếp diễn.

Những phiên tòa xử "người làm quan" dù không khỏi đau lòng, khó tránh xúc cảm trước tình người. Nhưng với tội phạm, cần được xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là mối quan tâm của toàn xã hội. Điều đó không chỉ nghiêm trị mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe cán bộ công chức một cách nghiêm khắc.

Và điều quan trọng nhất, là phải ngày càng ít đi, hay đến khi nào đó không còn những cảnh sụt sùi khóc lóc trước tòa để không tiếc thầm, lẩm bẩm "giá như…" của người làm quan.

Theo Trần Hiệp Thủy (NLĐO, ảnh: Tấn Nguyên)

Có thể bạn quan tâm