Thời tôi còn nhỏ, phụ nữ hầu như ai cũng đội nón lá.
Mình mẹ tôi có tới ba chiếc nón: nón đi làm đồng; nón đi chợ; nón đi chơi. Nón đi làm đồng là nón cời. Thường cũ kỹ, bung hết vành, dưới còn trơ mép lá như răng cưa. Đi làm chủ yếu cần nón che nắng che mưa chứ đâu cần xấu đẹp, mẹ lý luận vậy. Ụp cái nón cời lên đầu, trông mẹ y chang một… bà nông dân lam lũ thứ thiệt cho dù tôi nhớ lúc ấy mẹ còn trẻ lắm; đâu chừng ba lăm, bốn chục tuổi là cùng!
Nón đi chợ thì đỡ hơn, chưa tới mức bung vành nhưng cũng đã cũ, lá chằm bắt đầu rộp, ngả vàng. Vậy nhưng mẹ vẫn giữ gìn cẩn thận, đi chợ về là gỡ nón, máng lên chiếc đinh cao đóng vách, không cho lũ nhóc nghịch ngợm tùy nghi quơ đội.
Tuyệt nhất là chiếc nón đi chơi của mẹ. Nón này là nón cao cấp, lá chằm khéo nên cầm lên thấy mỏng và nhẹ tênh. Đường kim mũi chỉ may sắc sảo. Nón ít đội nên lá chằm lúc nào cũng trắng tinh, lớp dầu quang bên ngoài còn bóng lộn, quai nón bằng vải nhung đen móc vào cằm êm hết biết. Nghe kể: nón ấy dưới quê không bán; là do ba có việc lên phố mua về tặng mẹ. Mẹ quý chiếc nón ấy lắm. Ngày thường không sử dụng mẹ bọc nón vào chiếc bao ni-lông to để chống bụi; còn đem tận phòng ngủ cất trên đỉnh mùng.
Ngày thường, có việc chạy ra nắng ra mưa tôi hay quơ chiếc nón cời treo chái bếp của mẹ mà đội. Thiệt tình tôi có mũ nhưng cái nón vẫn có công dụng che nắng che mưa rất tốt. Còn với nón đi chơi của mẹ thì dịp ba mẹ đi vắng, tôi lẻn vào phòng, bắc ghế leo lên đỉnh mùng, mở bao lôi chiếc nón xuống. Đội nón lên đầu, tôi ra đứng trước gương ngắm nghía. Vừa lúc ba mẹ về, tôi quáng quàng lột nón, ôm chạy vô buồng, lỡ vấp chân té oạch, đè dẹp lép cái nón quý của mẹ!
Không nói không rằng mẹ bước xuống rút soạt chiếc roi tre giắt trên mái bếp! Ba nhìn bộ mặt tôi tái dại, lật đật theo chụp tay mẹ, can: Thôi, con nó lỡ dại, tha đi. Rồi anh lên phố mua cho cái khác…
Theo Y Nguyên (NLĐO)