(GLO)- Nhiều nông dân trên địa bàn thị xã An Khê đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm giàu cho gia đình và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Thi đua sản xuất
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Xuân Phương (thôn Thượng An 3, xã Song An) có hơn 14 ha đất chuyên trồng cây keo. Giai đoạn 2010-2014, ông đã chuyển 4,1 ha keo sang trồng 1 ha mắc ca, 200 cây mít, 200 cây chanh không hạt, 200 cây ổi, 200 cây mận tím và xen canh 500 cây chuối. Trong vườn cây ăn quả, ông Phương thả 500 con gà và 1.000 con vịt. “Số gà và vịt này, gia đình tôi nuôi lấy trứng theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kiểm định. Trứng được bán trong các siêu thị ở TP. Pleiku và các tỉnh: Bình Định, Kon Tum, Đak Lak. Bên cạnh lợi nhuận từ việc bán trứng khoảng 10 triệu đồng/tháng, gia đình tôi còn có nguồn thu từ vườn cây ăn quả, rừng keo khoảng 400 triệu đồng/năm. Riêng cây mắc ca năm nay bắt đầu cho thu bói”-ông Phương phấn khởi nói.
Nhờ kết hợp trồng sen và nuôi cá mà thu nhập của gia đình ông Hồ Văn Út (tổ 7, phường Ngô Mây) tăng gấp đôi. Ảnh: N.M |
Tương tự, nhờ kết hợp nuôi cá, trồng sen ở bàu Ấm, gia đình ông Hồ Văn Út (tổ 7, phường Ngô Mây) có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Ông cho hay: “Sen cho thu hoạch 3 vụ/năm. Ngoài bán hạt, vào ngày rằm, mùng 1, gia đình tôi còn bán hoa sen. Từ tháng 4 đến tháng 6, khi hoa sen nở rộ, tôi mở dịch vụ cho tham quan, chụp hình bên bàu sen với giá 50 ngàn đồng/lượt. Gần đây, nhu cầu trồng sen tăng lên, tôi còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc sen kết hợp nuôi cá cho nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã. Nhờ đó mà thu nhập tăng lên gấp đôi so với nuôi cá đơn thuần”.
Trong năm 2018, thị xã An Khê có 3.709 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó, cấp trung ương có 7 hộ, cấp tỉnh 208 hộ, cấp thị xã 1.632 hộ và cấp xã 1.862 hộ. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng quýt đường, cam sành, bưởi; nuôi bò; nuôi cá lóc bông, cá chình thương phẩm kết hợp câu cá thư giãn; trồng nhãn, mít, chuối; trồng rau màu kết hợp nuôi gia cầm… Ông Nguyễn Công Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện các mô hình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thị trường và định hướng của chính quyền địa phương. Từ đó, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở thị xã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nông dân không ngừng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế”.
Tăng cường hỗ trợ nông dân
Hội Nông dân thị xã An Khê hiện có 60 chi hội với 6.575 hội viên/8.273 hộ nông nghiệp. Song song với việc củng cố, xây dựng tổ chức, Hội Nông dân thị xã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nông dân nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng... Ngoài ra, Hội Nông dân thị xã còn tín chấp với các ngân hàng hơn 71 tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; cho 160 hội viên, nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 2,4 tỷ đồng để đầu tư mua cây-con giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tái đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê thông tin thêm: “Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hội viên, nông dân; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế; phổ biến các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. Tháng 10 tới đây, Hội tổ chức đối thoại giữa Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Nhà máy sản xuất Tinh bột sắn Gia Lai và Nhà máy Đường An Khê với các hội viên, nông dân nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hội sẽ duy trì và nhân rộng trong hội viên, nông dân trên địa bàn những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
NGỌC MINH