Báo xuân

Nông dân cay đắng bỏ hoa đêm 30 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chịu cảnh bán giá rẻ mạt, nhiều nông dân ở chợ hoa đã chọn cách cay đắng tự tay đập bỏ các chậu hoa, cây cảnh của mình trước thời điểm Giao thừa.  

Quất được bán tháo với giá 100 ngàn đồng/chậu. Ảnh: Văn Ngọc

Đêm 30 Tết, tại chợ hoa TP. Pleiku vẫn rất sôi động và nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ thời gian cuối cùng của năm cũ để rước về những cây hoa, cây cảnh trang trí cho ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, cũng nhiều người đến chợ hoa đêm cuối năm để chờ dịp các chủ sạp hoa xả hàng bán giá rẻ như cho hoặc bỏ đi để nhặt về. Chính tâm lý đó của nhiều bộ phận người dân khiến xảy ra tình trạng người nông dân hoặc các tiểu thương buôn hoa ngậm ngùi đập phá hoa của mình. Thực trạng đáng buồn này đã diễn ra từ nhiều năm nay và trước đêm Giao thừa năm Đinh Dậu 2017, một lần nữa chợ hoa Pleiku phải chứng kiến hàng ngàn chậu cây bị phá bỏ trong xót xa.
 

Nhiều khách hàng tranh thủ đêm cuối năm để sắm hoa. Ảnh: Văn Ngọc

Theo ghi nhận của P.V, khoảng 23 giờ đêm, giá tất cả các mặt hàng hoa, cây cảnh tại chợ hoa đường Nguyễn Văn Cừ đã xuống giá khoảng 50% thậm chí nhiều sạp bán rẻ như cho. Tuy vậy,  trước tình hình lượng hàng tồn đọng còn rất nhiều trước nguy cơ không thể tiêu thụ hết dù có khá nhiều khách hàng vãng lai, nhiều chủ sạp đã bắt đầu đập phá bỏ hoa để dọn trả sân bãi. Anh Trần Văn Kiệt (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) ngao ngán: “Năm nay mình đưa lên khoảng 1.000 chậu cúc. Những ngày trước bán trung bình 700-800 ngàn đồng/cặp. Nhưng năm nay lượng khách mua rất ít nên giờ đêm 30 rồi mà vẫn còn gần 500 chậu cúc đây. Mình buộc phải đập bỏ thôi chứ người ta cứ đợi hoa mình bỏ ra là xách về trưng chứ không chịu mua kể cả mình đã xuống giá có 300 ngàn đồng/cặp rồi. Lúc trồng hoa thì nâng niu chăm bẵm ghê lắm, nhưng giờ đành phải đập bỏ chứ làm sao. Chỉ mong người khác trân trọng công sức vất vả của những người nông dân nơi đất khách quê người như chúng tôi…”.
 

Nông dân cay đắng phá bỏ chậu hoa của mình. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Phan Thu Thủy (một tiểu thương tại TP. Pleiku) cũng chua xót: “Mình bỏ vốn mấy chục triệu đồng ra để buôn cúc vì nghĩ năm nay dưới vùng Phú Yên, Bình Định mất mùa do lũ, cúc sẽ ít nên được giá. Ai ngờ đầu sức mua năm nay kém quá, tôi mới chỉ bán được gần một nửa, người dân mình kinh tế khó khăn với lại nhiều người cứ chờ hoa vứt đi để lấy. Nên mình thà chịu lỗ, thà đập bỏ không chỗ hoa đấy chứ không thể cho được vì còn năm sau buôn bán, còn các tiểu thương khác nữa chứ không riêng gì mình”.
 

Hơn 23 giờ đêm nhưng hoa cúc vẫn la liệt. Ảnh: Văn Ngọc

Một số các chủ sạp cũng cố gắng vớt vát lại chút ít vốn liếng của mình đã bỏ vào các chậu cây khi bám trụ đến thời điểm cuối cùng của năm cũ. Anh Võ Văn Lai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên)-chủ sạp quất chia sẻ: “Từ 5 giờ chiều tôi đã phải bán giảm giá từ 400 ngàn đồng/chậu xuống còn 200 ngàn đồng rồi. Người đi xem cũng đông lắm nhưng họ cứ chợ đợi đến đêm để chờ xem giá xuống. Quất chứ có phải mai đâu mà còn chở về được nên tôi đành phải hạ xuống 50 đồng-100 ngàn đồng/chậu để kiếm chút tiền xe về thôi. Năm nay đi bán ở xa, đón Giao thừa tận ở Gia Lai mà giờ lỗ chỏng gọng thôi. Anh em Phú Yên lên đây cũng đang bán đổ, bán tháo để cho kịp chuyến xe, giao thừa xong là về quê đón Tết luôn. Tết năm nay buồn thật nhưng biết làm sao, hy vọng năm mới sẽ khác…”.    

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm