Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nông dân Gia Lai liên kết sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Gia Lai đã thành lập 749 chi hội/tổ hội nông dân nghề nghiệp. Các chi hội, tổ hội này hoạt động theo phương thức “5 tự, 5 cùng” để liên kết sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
“5 tự, 5 cùng”
Để Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu cụ thể: hàng năm, mỗi Hội Nông dân cấp huyện chỉ đạo thành lập mới 1 chi hội nông dân nghề nghiệp trở lên, mỗi cơ sở Hội thành lập mới 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp trở lên... Đến nay, toàn tỉnh có 345 chi hội, tổ hội trồng trọt; 201 chi hội, tổ hội chăn nuôi; 14 chi hội nuôi trồng thủy sản và ngành nghề khác; 130 tổ hội trồng trọt kết hợp chăn nuôi với tổng cộng gần 11 ngàn thành viên. Các chi hội, tổ hội hoạt động theo phương thức “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng thụ hưởng).
Sau gần 5 tháng ra mắt, Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần Ia Peng (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã kết nạp thêm 2 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 người, đều ở thôn Sô Ma Hang B. Chị Ksor H’Tek-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần Ia Peng-cho biết: “Tổ hội đã tổ chức cho các thành viên lên rừng tìm kiếm nguyên liệu tự nhiên là lá cây, rễ cây về làm men rượu. Chúng tôi muốn gìn giữ phương thức làm men truyền thống phục vụ nhu cầu của gia đình, người dân trong thôn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu, quảng bá để nhiều người biết đến men rượu, cách làm rượu cần truyền thống của địa phương”. 
Tham gia tổ hội nghề nghiệp, chị Lê Thị Thu (bìa phải, thị trấn Chư Prông) tích lũy nhiều kiến thức trong chăn nuôi heo rừng lai. Ảnh: Anh Huy
Tham gia tổ hội nghề nghiệp, chị Lê Thị Thu (bìa phải, thị trấn Chư Prông) tích lũy nhiều kiến thức trong chăn nuôi heo rừng lai. Ảnh: Anh Huy
Tham gia Tổ hội nghề nghiệp nuôi heo rừng lai của thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông), gia đình chị Lê Thị Thu (tổ dân phố 2) đã có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi. Chị Thu thông tin: “Tổ có 7 thành viên, mỗi quý sinh hoạt 1 lần. Các thành viên thường xuyên chia sẻ cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, vừa giảm chi phí đầu vào, vừa góp phần bảo vệ môi trường; cách phối giống, phòng bệnh cho heo con; trao đổi thông tin giá cả thị trường; hỗ trợ nhau con giống, liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”.
Tương tự, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò làng Pôk (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cũng tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Trong buổi sinh hoạt, các thành viên chia sẻ về quá trình chăm sóc, phòng tránh một số bệnh thường gặp đối với vật nuôi, cách làm chuồng trại hợp vệ sinh và tận dụng nguồn phân bò để chăm bón cây trồng. Các thành viên cũng được cung cấp thông tin về thị trường, giá cả và đề xuất nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền địa phương khi có vấn đề cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Quan tâm hỗ trợ các chi hội, tổ hội
Nhằm giúp cán bộ, hội viên nông dân nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp với các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ về kỹ thuật và tạo điều kiện để các chi hội, tổ hội tiếp cận vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân xã Ia Peng đã thành lập 2 chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá giống, bò và 4 tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng khoai lang, thuốc lá, làm men rượu cần, chăn nuôi bò. Bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng-cho hay: “Hội đã liên kết mở 1 lớp tập huấn về chăn nuôi bò và đề xuất Hội cấp trên tạo điều kiện cho 10 thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng thuốc lá vay 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất”.
Toàn tỉnh hiện có 345 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp về lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Anh Huy
Toàn tỉnh hiện có 345 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp về lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Anh Huy
Hiện nay, toàn huyện Chư Păh có 63 tổ hội và 6 chi hội nghề nghiệp. Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Hội thường xuyên phối hợp với các phòng, ban liên quan và các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân nói chung, thành viên các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp nói riêng tiếp cận khoa học, công nghệ thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; triển khai các mô hình trồng, thâm canh cây quýt theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê vối. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên hỗ trợ hội viên nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. 
Để hỗ trợ các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội Nông dân đã tập trung khai thác nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Tính đến ngày 15-8-2022, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 47 tỷ đồng, đã thẩm định và giải ngân hơn 14,8 tỷ đồng cho 55 dự án với 565 hộ hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, trong đó phần lớn là thành viên các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Bà Phan Thị Kim Chi-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai-đánh giá: “Các chi hội, tổ hội thành lập và hoạt động đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của thành viên. Bước đầu, một số chi hội, tổ hội đã có sự liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, Hội tiếp tục ưu tiên nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho các chi hội, tổ hội vay phát triển sản xuất; phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu sản phẩm và kết nối cung cầu cho các thành viên”.
ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm