Kinh tế

Nông dân kết nối với doanh nghiệp để cùng hưởng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai đang đẩy nhanh tiến trình hỗ trợ cho các xã hưởng lợi hình thành, củng cố năng lực các tổ chức nông dân triển khai hoạt động canh tác, quản lý cà phê bền vững. Trong đó, hoạt động mua chung-bán chung, chủ động kết nối với thị trường rất được quan tâm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa tổ chức nông dân với các doanh nghiệp theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”.

Lâu nay, các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh chưa có thói quen liên kết sản xuất và đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Thay vào đó, cứ đến mùa thu hoạch, nhiều hộ lại bán cà phê tươi hay khô cho các cơ sở thu mua nhỏ lẻ với giá thấp hơn thị trường. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân khi gặp đại lý nào đẩy giá lên cao thì bán nên xảy ra tình trạng tranh mua-tranh bán, tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật lợi dụng để thực hiện các hành vi gian dối. Điều này dẫn đến nhiều vụ “vỡ nợ” khi chủ cơ sở thu mua biến cà phê ký gửi của nông dân thành cà phê của mình rồi bán và tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều hộ trồng cà phê rơi vào cảnh trắng tay.

 

Nông dân huyện Đak Đoa đã hình thành các nhóm mua chung-bán chung sản phẩm cà phê. Ảnh: N.D
Nông dân huyện Đak Đoa đã hình thành các nhóm mua chung-bán chung sản phẩm cà phê. Ảnh: N.D

Trước thực trạng đó, vài năm trở lại đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân hình thành các nhóm liên kết sản xuất cà phê và đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định từ đầu vào đến đầu ra giúp đôi bên cùng hưởng lợi.

Ông Trần Ngọc Huy-Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Chương, một trong những doanh nghiệp thu mua cà phê lớn trên địa bàn huyện Đak Đoa, cho biết: Công ty đã tạo mối liên kết với 1.500 hộ trồng cà phê tại các xã Ia Băng, Ia Pết và A Dơk (huyện Đak Đoa) và mới đây là xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) theo cả hình thức nhóm hộ và hộ cá thể.

Hàng năm, Công ty đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, đến vụ thu mua với giá cao và có giá hỗ trợ 150- 300 đồng/kg cho nông dân. Cách làm này giúp người dân yên tâm bán sản phẩm cho Công ty. Ước tính, mỗi vụ nông dân trong các nhóm liên kết bán cho Công ty khoảng 4.500 tấn cà phê nhân. Nếu nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giá trị của cây cà phê sẽ được nâng cao để đôi bên cùng hưởng lợi. Ông Huy cho biết thêm: Sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua tổ chức của nông dân có nhiều ưu điểm hơn sự liên kết giữa doanh nghiệp với từng hộ nông dân về các khía cạnh như tính cam kết, tính pháp lý, từ đó sẽ tạo ra sự bền vững, ổn định trong mối quan hệ thương mại. Ngoài ra,  doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý hợp đồng.

Ông Lê Bá Dũng (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho biết: Gia đình tôi trồng cà phê từ năm 2010 với diện tích khoảng 1 ha. Những năm trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, tôi thường bán tự do, ai mua giá cao thì bán. Không chỉ riêng gia đình tôi mà phần lớn người trồng cà phê đều bán theo phương thức này. Dù tìm đến các doanh nghiệp có uy tín nhưng người dân vẫn còn băn khoăn vì một số hộ cũng bán cho doanh nghiệp nhưng có năm được bù giá, có năm lại không nên quan hệ khó bền vững. Trong thời gian gần đây, được sự tuyên truyền, vận động của Dự án VnSAT Gia Lai và chính quyền địa phương, ông Dũng đã tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xã Ia Băng để cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững, trong đó có việc tổ chức mua chung-bán chung, hướng đến mục tiêu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời hạn chế tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ sản xuất kém chất lượng…

Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý VnSAT Gia Lai, cho biết: Mục tiêu của Dự án là tạo kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ cà phê. Qua đó, giá trị xuất khẩu cà phê sẽ cao hơn và ổn định hơn giúp bà con phát triển kinh tế. Trong sự kết nối này, dự án chỉ hỗ trợ thành lập, củng cố và nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân để chủ động trong việc liên kết với các doanh nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện cho nông dân tổ chức các hoạt động mua chung-bán chung mang lợi ích tốt nhất cho người tham gia.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm