Nồng nàn ẩm thực Tây Nguyên: Ghiền thực phẩm sạch và lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hiện nay, ẩm thực của đồng bào dân tộc bản địa xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm nhiều gia đình người Kinh ở phố thị. Có mặt ở hầu hết các nhà hàng và khu du lịch Tây Nguyên. Ẩm thực của họ chỉ là những thực phẩm thông thường, rau, củ quả nhưng sạch và lạ. Lạ ở đây là cách chế biến cầu kỳ, gia vị đặc trưng gói ghém cả một truyền thống văn hóa ẩm thực độc đáo.

 Kiến vàng được người Ê Đê chế biến thành nhiều món hấp dẫn
Kiến vàng được người Ê Đê chế biến thành nhiều món hấp dẫn



Về phố ăn món đồng bào

Ngày cuối tuần định về thăm bố mẹ thì vợ chồng cô bạn thân mời sang ăn cơm. Cô cùng quê Hà Tĩnh, gặp và thân từ khi học cùng lớp đại học, sau đó duyên số thế nào cô dạt vào Tây Nguyên định cư. Bê mâm ra cười tươi, cô nói “Hôm nay đãi cậu toàn món đồng bào nhé”. Trên mâm có gỏi cà đắng cá khô, canh lá bép nấu cua, gà nướng muối lá é, lá mì xào cá hấp. Tôi cười bảo, đúng là toàn món đồng bào, phối trộn cả ẩm thực của người M’Nông lẫn Êđê. Cô bảo tớ đặt từ dưới buôn làng, hơi đắt tý những đảm bảo sạch ngon lạ, cậu sẽ ghiền cho coi. Tớ có chị bạn dưới buôn, nên thỉnh thoảng thèm lại đặt họ chế biến gia giảm rồi gửi lên. Mà có phải riêng gì tớ đâu, mấy anh chị cùng trường cũng thích nên giờ tớ trở thành tay ship “hàng đồng bào” chuyên nghiệp rồi.

Chính anh Y Né Niê K’đăm (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) cũng thừa nhận: Những món ăn của đồng bào mình có sức lôi cuốn kỳ lạ, ai đã ăn một vài lần đều nhớ mãi. Nhiều người bạn của anh từ phố xuống chơi, anh đưa về nhà chiêu đãi món truyền thống: Canh cà đắng, lá mì xào, canh kiến vàng…ban đầu nhiều người bạn ăn không quen cảm thấy ngại, nhưng vài lần ghiền luôn, thậm chí có vài anh bạn ở phố thỉnh thoảng lại chạy xe xuống nhà anh và thú thật là vì nhớ món ăn của anh. Họ bảo ngoài chợ có bán nguyên liệu nhưng mua về chế biến, tẩm ướp nhưng không thể nào có được cái vị như chính người Êđê làm.

Anh Y Né cho biết: Nấu canh cà đắng, nhất thiết phải có được các loại lá rừng: Hdang re có vị ngọt, lá Dvam bal có vị chat, lá pung yao có vị chua để hòa chung với vị đắng của cà thì mới ngon trọn vẹn được. Còn món kiến vàng khá hiếm, công đoạn chuẩn bị vất vả công phu. Công đoạn bắt kiến là khó khăn nhất. Kiến thường ở trên cao của cây muồng, cà phê lại đốt đau nên phải có dụng cụ bắt kiến (một cái dao và một bao bì để tóm chúng khi đã tách chúng ra khỏi nhành cây) và phải là người trèo cây giỏi và chịu được cảm giác tê tê khi bị kiến cắn. Bà con thường bắt kiến mùa khô, mùa mưa kiến nhỏ và trứng ít.

Tại các hội thi ẩm thực các đồng bào dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk món canh trứng kiến thu hút được nhiều thực khách. Cách nấu canh chua kiến vàng rất đơn giản, đầu tiên nấu một nồi canh cá suối, khi nước sôi cho kiến vào, chất axit trong bụng kiến hòa với nước canh tạo thành vị chua tuyệt vời cho nồi canh. Trong đó, món trứng kiến nấu lá giang và bẹ chuối luôn gây thương nhớ cho thực khách mỗi lần đến Tây Nguyên. Khi ăn sẽ cảm nhận vị béo ngậy trứng kiến, vị chua lá giang, vị chát bẹ chuối tạo món ăn trở nên lạ miệng món ăn được biết đến có tác dụng giải nhiệt cho mùa hè rất tốt.

Già Ma Huynh (67 tuổi, huyện Krông Búk) chia sẻ: Để cảm nhận được cái ngon cái hương vị đặc biệt, khác lạ của món ăn từ kiến và trứng kiến vàng phải có một thời gian thật thư thả. Với người đồng bào sau một ngày làm trên nương rẫy, những lúc có món kiến vàng được ngồi bên ché rượu thưởng thức, họ sẽ quên hết mệt mỏi. Món kiến vàng rất bổ dưỡng, là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội của bà con.  Khi đến buôn làng, nếu được gia chủ mời thưởng thức món kiến vàng thì người đó thực sự là khách quý.

Văn hóa truyền thống trong từng món ăn

Chúng tôi đến một nhà hàng thị trấn Ea Pốk, trên menu chủ yếu là các món ăn của người đồng bào bản địa như: Gà nướng ống tre, canh cà đắng, canh thập cẩm đồng bào, cá lóc nấu kiến vàng…

Chị Nguyễn Hải Yến, chủ nhà hàng chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, thực khách rất ít gọi các món ăn thời thượng mà họ hướng đến các món ăn nhậu được chế biến từ các loại rau, củ quả rừng dân dã như: Gỏi cà đắng cá khô, lẩu cá lóc kiến vàng, lá mì xào…Các món ăn dân dã được chế biến từ cây cà đắng của đồng bào Tây Nguyên giờ trở thành đặc sản được các nhà hàng, khu du lịch đưa vào thực đơn để phục vụ nhu cầu của thực khách.


 

Du khách thưởng thức món kiến vàng
Du khách thưởng thức món kiến vàng


   
Đối với các món ăn của người Êđê càng cay, càng đắng càng ngon. Khi vào nhà hàng để hợp khẩu vị của thực khách, món này được chế biến theo cách khác giảm gia vị đắng cay cho phù hợp,  để đa dạng các món ăn từ cà đắng có thể nấu với cá tươi, um với lươn, ếch, gà…nhưng các gia vị đi kèm như ớt xanh, tỏi lá é, ngò gai vẫn phải giữ nguyên để không làm mất đi hương vị đặc trưng của món ăn. Đội ngũ đầu bếp của chị là người dân tộc bản địa nên khi chế biến để nấu vẫn giữ được hương vị truyền thống của từng món ăn.

Theo anh Y Lý (thị trấn Ea Pốk), khi nhu cầu của thực khách ngày càng cao thì nhiều gia đình người dân tộc tại chỗ sống được với vốn văn hóa ẩm thực của mình. Mặc dù bà con chưa định hình được ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhưng mỗi món ăn là kết tinh truyền thống văn hóa của cả dân tộc nên bà con rất chú tâm trong khâu chế biến, không chạy theo giá trị kinh tế.

Ví dụ như món muối kiến vàng. Giai đoạn đi bắt kiến đã rất vất vả, khâu chế biến cũng rất cầu kỳ dù món này chỉ là gia vị chấm dùng ăn kèm nhưng muối kiến vàng luôn hấp dẫn các thực khách. Để có được muối kiến vàng thơm ngon, khi bắt tổ kiến về đem ngâm vào nước sôi, vớt kiến ra để ráo rồi rang lên với muối hạt ớt rừng. Muối khô nổ, kiến chín thơm đổ vào cối giã. Tùy vào sở thích của mỗi người có thể cho thêm sả, chanh, mì chính vào giã cùng cho đậm vị. Muối kiến vàng dùng ăn với cơm trắng rau luộc,...nhưng đậm đà nhất là dùng để chấm với bò một nắng. Khi người Tây Nguyên gửi bò một nắng cho người thân ở xa thì bắt buộc phải mua một hộp muối kiến vàng kèm theo ăn mới ngon và đúng vị.

 

Theo cán bộ Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Đắk Lắk, ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Mỗi món ăn hay cả bữa ăn đều là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống cùng cách nấu nướng đặc biệt. Bây giờ nhiều món ăn của đồng bào phổ biến trong các bữa cơm gia đình của người dân phố huyện. Ngày hội Văn hóa Thể thao của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức hai năm một lần, bên cạnh những hoạt động văn hóa thì phần thi ẩm thực luôn thu hút du khách trong và ngoài nước đặc biệt những món ăn có vị cay, đắng của đồng bào.


   

N.T (TPO)

Có thể bạn quan tâm