Kinh tế

Nông nghiệp

Nông nghiệp Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài cuối: Phát triển thủy lợi, sử dụng tiết kiệm nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối với vùng Tây Nguyên, các nhà khoa học đánh giá tài nguyên đất, nước và rừng có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển của toàn vùng, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình hạn hán trong mùa khô càng kéo dài, gay gắt. Vì vậy, việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững nông nghiệp vùng Tây Nguyên.
Nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Tây Nguyên có 622.286 ha cà phê, 91.422 ha hồ tiêu, 81.035 ha điều và 246.811 ha cao su… Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 2.354 công trình thủy lợi với tổng dung tích trữ đạt 1.535.106 m3 nước (trong đó dung tích hữu ích khoảng 1.290.106 m3), theo thiết kế phục vụ tưới cho 288.484 ha cây trồng.
 
Hồ chứa nước Krông Búk Hạ nằm trên địa bàn xã Ea Phê, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủy lợi đã góp phần quan trọng để nông nghiệp Tây Nguyên đóng góp hơn 40% GDP toàn vùng và tạo ra những sản phẩm xuất khẩu chiến lược của cả nước, như: Cà phê, hồ tiêu, cao su...
Hệ thống thủy lợi khu vực Tây Nguyên được quy hoạch và xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu cùng sự xuống cấp của nhiều công trình thủy lợi đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của sản xuất hiện nay.
Cụ thể, diện tích tưới thực tế của hệ thống thủy lợi toàn vùng là 214.645 ha, đạt 74,4% so với thiết kế. So với tổng diện tích cây trồng cần tưới toàn vùng, hệ thống thủy lợi mới đáp ứng được 30%.
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi bất thường, mùa nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng ngày càng sụt giảm, kể cả nguồn nước ngầm trong lòng đất cũng tụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, người nông dân vẫn có thói quen tưới cho cây trồng theo kiểu truyền thống, chủ yếu là tưới vào gốc, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến như tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước còn ít nên nguồn nước ngày càng khan hiếm.
Nhiều công trình thủy lợi chưa được quản lý, khai thác phát huy hiệu quả, vào mùa khô là cạn trơ đáy. Vì vậy, vào mùa khô hàng năm, trên địa bàn Tây Nguyên có đến hàng chục nghìn héc ta cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa nước và các loại cây ngắn ngày thiếu nước tưới nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và đời sống của người nông dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, Đắk Lắk có 607 hồ chứa, 117 đập dâng, 57 trạm bơm phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt. Nhiều công trình sau khi được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả rất tốt như: Hồ Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ, Ea Nhái, Ea Kao… Tuy nhiên, so với nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng, nhất là trong mùa khô thì hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được.
Một số vùng tại huyện Buôn Đôn, Ea Súp không thể sản xuất trong mùa khô do thiếu nước tưới. Vì vậy, tỉnh mong muốn Trung ương đầu tư xây dựng thêm các công trình hồ đập tại những vùng trống; nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh mương để tiết kiệm nguồn nước và đưa được nước đến các vùng tưới khác; tận dụng tối đa các công trình có sẵn.
Hiện nhiều hồ như Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ có nhiều nước nhưng không có trạm bơm để tưới cho vùng lân cận, do đó cần xây dựng thêm một số trạm bơm để tận dụng nước tưới tại hồ đập để tưới cho các vùng lân cận.
Theo ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, đơn vị hiện được giao quản lý, vận hành 249 công trình thủy lợi trong tỉnh. Theo đó, mỗi đầu mùa khô, chi nhánh của Công ty tại các huyện, thị xã đều tổ chức đắp đập, nâng cao ngưỡng tràn của các công trình thủy lợi.
Trước tình trạng khô hạn cục bộ tại nhiều địa phương trong những năm gần đây, đơn vị thường xuyên triển khai phương án bơm chuyển nước giữa các công trình thủy lợi với nhau để chống hạn hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương vận động tuyên truyền nông dân thực hiện việc sử dụng nguồn nước hợp lý, có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Mùa khô năm 2018 - 2019, hệ thống thủy lợi tỉnh Đắk Nông đã cung ứng nước tưới cho gần 46.000 ha cây trồng, tăng gần 15% so với năm trước đó.
Theo các nhà khoa học, nhà quản lý, yếu tố được coi là quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp bền vững đó là thủy lợi. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, tạo ra các định chế quản lý, sử dụng nguồn nước một cách khoa học, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước sản xuất.
Để có cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu cần nghiên cứu, đánh giá sự tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đánh giá công năng và tình trạng hoạt động của công trình thủy lợi lớn và nhỏ, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nâng cấp, bổ sung các công trình này cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu.
Do đó, cần phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên, xây dựng các hồ chứa đa mục đích nhằm sử dụng lượng nước nhất định vào nhiều mục đích khác nhau, làm cho hệ thống thủy lợi có đủ năng lực điều hòa nước trong hai mùa mưa, nắng; có chiến lược giữ rừng và trồng rừng để giữ nguồn nước mặt và nước ngầm ở Tây Nguyên.
Mở rộng diện tích tưới tiết kiệm
Cùng với việc đầu tư, nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, việc nghiên cứu, ứng dụng biện pháp kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp nhằm giảm thất thoát và tiết kiệm nước. Trong đó, tưới nước tiết kiệm hợp lý cho cây trồng cũng là giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với sự biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên.
 
Nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây hồ tiêu tại Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong bối cảnh nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt, việc áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm cũng là giải pháp căn cơ nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện Đắk Lắk có tổng diện tích cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 7.000 ha. Thời gian tới, tỉnh sẽ nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đặc biệt trên các diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk có 10.000 ha diện tích cây trồng chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau màu) trên cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Nhận thấy những lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm, năm 2017, ông Hoàng Đức Khóa, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt trên 1 ha hồ tiêu của gia đình (chi phí đầu tư khoảng 60 triệu).
Theo ông Khóa, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có hệ thống máy móc điều chỉnh lượng nước không chỉ tiết kiệm được lượng nước, giảm nhân công còn đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước cho cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng. Hơn nữa, nông dân cũng chủ động trong khâu bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp năng suất cây trồng tăng cao và đặc biệt vào mùa khô sẽ không vất vả tìm nguồn nước tưới cho cây trồng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu trong mùa khô.
Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Đắk Nông đang hỗ trợ nông dân nhiều địa phương trong tỉnh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trong bối cảnh khô hạn ngày càng gay gắt.
Tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, dự án đã tập trung hỗ trợ các hộ nông dân trồng cà phê của thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khoảng 65 triệu đồng mỗi hecta; trong đó, dự án tài trợ 50%, còn lại là nông dân bỏ ra.
Công nghệ tưới nhỏ giọt được triển khai là công nghệ Netafim của Israel. Đây là công nghệ khá tiên tiến, được sử dụng tại nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa cho biết, ưu điểm công nghệ này là vừa có thể tưới nước, bón phân, đồng thời tiết kiệm công lao động, vốn đầu tư và tuổi thọ của hệ thống cũng kéo dài hơn so với các công nghệ khác. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đã lắp đặt được 15 ha, đi vào hoạt động ổn định.
Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Đắk Nông, đơn vị cũng đã triển khai hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ nhỏ giọt tại nhiều địa phương. Bên cạnh tiết kiệm công lao động, phân bón, nước, việc hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp nông dân hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mặt. Đến nay, đã có hơn 50 ha cà phê tại Đắk Nông được lắp đặt hệ thống này. Dự kiến, đến thời điểm kết thúc dự án, khoảng 600 ha cà phê sẽ được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Bên cạnh việc nghiên cứu các giống mới, các nhà khoa học tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi) cũng nghiên cứu, phát triển công nghệ tưới tiết kiệm “phun mưa cục bộ”, với việc sử dụng các nguyên liệu trong nước nhằm giảm giá thành, phù hợp hơn với điều kiện, tập quán sản xuất ở Việt Nam đã được chứng minh là rất hiệu quả. Công nghệ phun mưa cục bộ cũng được Viện Khoa học Thủy lợi và Tổng cục Thủy lợi công nhận như một trong những phương thức tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn ở Việt Nam.
Chẳng hạn, đối với cây cà phê, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước được nghiên cứu từ năm 2009 tại Đắk Lắk và Gia Lai, kỹ thuật tưới phun mưa tại gốc của Viện cho thấy có nhiều ưu điểm so với phương thức tưới nước và bón phân truyền thống: giảm lượng nước tưới đến 40%, tăng hiệu quả sử dụng phân bón đến 20 - 30%; giảm nhân công lao động tưới nước, bón phân đến 90%. Viện Wasi cũng đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân qua tưới nước cho nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng: Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước và nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi cần thực hiện các giải pháp như: Đẩy nhanh việc nhân rộng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, phấn đấu đến năm 2020 có 500 nghìn ha cây trồng cạn của khu vực Tây Nguyên được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Để làm được điều đó, các tỉnh cần có giải pháp cụ thể trong phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn. Điều quan trọng là các tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… thì công nghệ tưới này mới nhân rộng được.
Nhóm PV TTXVN khu vực Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm