NSNA Nguyễn Linh Vinh Quốc: Trải nghiệm thú vị với du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi vùng đất đều có câu chuyện riêng. Vùng đất nào còn lưu giữ bản sắc thì càng có nhiều câu chuyện hấp dẫn. Nhiều năm qua, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Linh Vinh Quốc đã góp sức quảng bá cho du lịch Gia Lai khi kết nối nhiều đoàn du khách là các nhiếp ảnh gia trong nước đến các ngôi làng Jrai ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) để thực tế sáng tác. Trong cuộc trò chuyện với P.V Báo Gia Lai, anh chia sẻ góc nhìn thú vị để tăng sức hút cho du lịch cộng đồng từ những quan sát tinh tế trong quá trình thực tế sáng tác.
    * Điều gì ở vùng đất Ia Mơ Nông khiến anh không ngừng quay trở lại cùng với bạn bè nhiếp ảnh?
- NSNA Nguyễn Linh Vinh Quốc: Sức hút đặc biệt của Ia Mơ Nông ở chỗ vùng đất này mang đậm bản sắc văn hóa Jrai. Một số làng còn giữ nghiêm lệ làng với những điều kiêng kỵ đối với người bên ngoài. Ví dụ như ở làng Kép tuyệt đối không được đánh chiêng vô cớ. Một số luật lệ còn rất chặt chẽ, có những thời điểm khách không được vào làng. Đây là ngôi làng tổ chức lễ pơ thi hàng năm và vẫn giữ được những yếu tố nguyên bản của lễ hội dân gian Tây Nguyên. Chính những điều đó làm cho vùng đất này kỳ bí và thêm phần quyến rũ. Sau nhiều lần tôi kết nối các tour thực tế sáng tác cho giới nhiếp ảnh, họ hoàn toàn bị mê hoặc bởi những điều như vậy.
 Du lịch cộng đồng ở Ia Mơ Nông còn tạo sức hút bởi người dân thân thiện, thoải mái, hồ hởi tương tác với nhiếp ảnh gia, nhất là chị em phụ nữ. Mỗi lần chúng tôi đến thực tế sáng tác, chị em bỏ cả ngày công lao động để hỗ trợ mà không đòi hỏi thù lao. Hay có những cụ già không biết tiếng phổ thông nhưng rất nhiệt tình, vui vẻ đan lát cả buổi giúp các NSNA có được những khuôn hình ưng ý nhất. Mỗi chuyến đi như vậy, chúng tôi đều bồi dưỡng cho bà con nhưng chẳng đáng là bao so với công sức họ bỏ ra. Nhưng động lực là để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, để có thêm sinh kế nên họ luôn hết mình và quên đi lợi ích trước mắt.
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Ảnh: Minh Châu
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Ảnh: Minh Châu
* Theo anh, trong phát triển du lịch cộng đồng thì điều gì tạo nên sức hấp dẫn, khai thác bền vững mà không tác động xấu đến môi trường văn hóa, thiên nhiên?
- NSNA Nguyễn Linh Vinh Quốc: Những đoàn khách tôi từng đưa đến Ia Mơ Nông, ngoài chuyện chụp ảnh, họ còn hỏi han, quan tâm đủ thứ chuyện. Lúc này, họ trở thành những du khách thực thụ. Và điều này sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho từng khoảnh khắc bấm máy. Tôi nghĩ chọn loại hình du lịch cộng đồng nghĩa là lựa chọn một chuyến đi chậm và tận hưởng ở mức độ chiều sâu. Điều du khách cần là trải nghiệm văn hóa, bà con sống ra sao, ăn ở như thế nào, con nít được học hành ra sao… Họ tìm kiếm những trải nghiệm có ý nghĩa chứ không chỉ là đi cho biết đó biết đây.
Du lịch cộng đồng có ức hấp dẫn từ các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái. Ảnh: Minh Châu
Du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn từ các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái. Ảnh: Minh Châu
Chẳng hạn, khi chúng tôi đặt chị em phụ nữ chuẩn bị cơm trưa tại làng, khách không chỉ được thưởng thức những món Jrai truyền thống mà còn được tự tay vò lá mì, bỏ gạo vào ống nứa để nướng cơm lam. Chị em sẵn sàng hướng dẫn khách cách chế biến, gia vị cho món ăn. Du lịch cộng đồng chính là kết nối để du khách đi sâu vào đời sống văn hóa, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa. Do đó, tôi cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng bền vững là bám sát vào đời sống của cộng đồng cư dân bản địa, không cần học hỏi ở đâu cả. Các mô hình thành công chỉ có ý nghĩa tham khảo, bởi mỗi vùng đất hay cộng đồng đều có câu chuyện riêng để kể cho du khách. Hãy để người dân là chính họ, kể những câu chuyện của họ theo cách mộc mạc, hồn nhiên nhất.
Tại Ia Mơ Nông, ngoài tới thăm tổ hợp dệt vải, đan lát, tham quan khu nhà mồ, du khách còn mãn nhãn bởi vẻ đẹp lấp lánh của văn hóa qua từng chi tiết rất nhỏ. Nhiều sản phẩm truyền thống được du khách mua để sử dụng chứ không còn là quà lưu niệm cho một chuyến đi. Việc tiêu thụ sản phẩm đồng nghĩa góp phần cải thiện thu nhập cho bà con. Nguồn thu từ hoạt động du lịch thì hỗ trợ ngược lại, gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái.
* Xin cảm ơn anh!
“Làng văn hóa-du lịch Jrai” là ý tưởng khởi nghiệp của chị H’Uyên Niê (làng Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông) vừa lọt vào top 50 ý tưởng trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Ý tưởng của chị H’Uyên Niê là biến di sản thành nguồn lực để phát triển du lịch và dựa vào cộng đồng Jrai ở Ia Mơ Nông để khai thác những lợi thế bản địa phục vụ du khách, tạo sinh kế cho người dân.
MINH CHÂU (thực hiện)
 
 

Có thể bạn quan tâm