Thời sự - Bình luận

Nữ công gia chánh không chỉ dành cho phái đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lâu nay, không chỉ bỏ quên nhiều kỹ năng sống, người ta còn quên mất nhu cầu hạnh phúc tự thân và giải phóng chính mình khỏi những định kiến của xã hội. Vì sao nam sinh không thể học nấu ăn, may vá, chăm con, làm người thanh lịch? Hạnh phúc vốn dĩ đâu phân biệt giới tính…

Cho nên, có thể nói, việc Huế triển khai dạy thí điểm môn nữ công gia chánh trong trường THPT Hai Bà Trưng như là một phần trong tiến trình xây dựng "cốt cách Huế, xứ Huế hạnh phúc", là một quyết định đáng hoan nghênh! Thậm chí, có người còn nói, đó là một sự "cởi trói" gián tiếp cho đấng mày râu khỏi quan điểm đàn ông phải là trụ cột gia đình, phụ nữ phải tề gia nội trợ.

Sinh ra, mỗi người đều có sự lựa chọn cho chính mình để làm điều họ muốn, để vui sống và cân bằng. Biết nấu ăn, chăm sóc con cái, biết cách làm cha làm mẹ, biết làm đẹp cho cuộc sống và chính mình, phải chăng, như thế người ta đã đặt một chân vào cửa hạnh phúc?

Tuy nhiên, quyết định này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Liệu phụ nữ có bị áp đặt tiêu chuẩn"công dung ngôn hạnh" như thời phong kiến, khoét sâu bất bình đẳng giới; còn nam sinh khi học nấu ăn liệu có bị mất đi nam tính? Là bởi, việc khôi phục môn học gia chánh trong nhà trường như là một thách thức cả những giá trị về hạnh phúc và bình đẳng giới.

Nữ công gia chánh chỉ là một tên gọi, và có thể phải đặt thêm một cái tên khác, để nam giới cũng có thể yên tâm theo học mà không phải phân vân "lạc giới".

Xứ Huế đang đi tiên phong khi khôi phục cốt cách Huế của mình. Nói không  với rác, nói không với chửi thề, nam giới đến công sở thứ 2 mặc áo dài, và giờ đây - khôi phục môn học nữ công gia chánh trong nhà trường, như một giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Thử tưởng tượng, bao nhiêu bậc cha mẹ khi tiễn chân con cái đi du học, mới giật mình, hóa ra rất nhiều bạn trẻ chưa hề nấu cơm được ngày nào! Kỹ năng giặt giũ, ủi áo quần, chăm lo dinh dưỡng và sức khỏe cho bản thân cũng không có, chứ đừng nói đến kỹ năng chi tiêu khi "ôm" một cục tiền lớn trong tay. Lúc đó, có tiền cũng chưa chắc giúp được con cái của họ, thậm chí, nhiều bạn trẻ đã bị stress khi lần đầu sang  xứ lạ mà không thành thạo kỹ năng sống cơ bản.

 

 Đàn ông nam tính là người biết bao bọc, chăm sóc cho người thân. Ảnh minh hoạ - Hương Vũ.
Đàn ông nam tính là người biết bao bọc, chăm sóc cho người thân. Ảnh minh hoạ - Hương Vũ.


Có một dạo, các môn học hướng nghiệp bắt buộc con trai đương nhiên học nghề điện, tiện, hàn…; con gái học nghề thêu thùa, may vá… Nhưng có không ít cậu con trai rất sợ máy móc, sợ bị điện giật mà vẫn phải cắn răng chịu đựng học cho xong, trong khi nhiều em có thiên hướng nấu ăn ngon, may rất đẹp thì lại không dám và không có chỗ để đăng ký học nghề.

Quyết định này không khiến cho lý thuyết bình đẳng giới bị sụp đổ, mà ngược lại.

Thế giới đã thay đổi, con người ta thực sự sống là để mưu cầu niềm vui và hạnh phúc. Bây giờ, cách tìm niềm vui  cũng khác xa với ngày trước. Học gia chánh như một môn nghệ thuật giải trí giúp đàn ông xây dựng một gia đình ấm áp, hạnh phúc hơn. Không chỉ riêng Huế muốn xây dựng cốt cách văn hóa riêng cho người Huế, ai cũng có thể tự nấu ăn,  tự phục vụ mình,  mà người ta còn nhắm đến một xã hội hạnh phúc. Và mô hình này nên nhân rộng ra cả nước để không còn suy nghĩ lạc hậu, mặc định góc bếp là của riêng phụ nữ.

Rõ ràng, một quốc gia phát triển, là khi nam nữ đều học nấu ăn, học gia chánh, học làm cha,  làm mẹ, phát triển những kỹ năng sống toàn diện. Cũng phải nói thêm rằng, đến thời điểm này, phụ nữ ra ngoài làm việc không thua đàn ông nhưng về nhà lại còn gánh thêm trọng trách chăm con cùng một loạt việc nhà thì quả là một sự chịu đựng vô cùng lớn! Vất vả, cáng đáng nhiều việc như thế nhưng phụ nữ Việt không được cánh mày râu chia sẻ và công nhận vai trò của họ trong gia đình, thì bao giờ mới có "bình đẳng giới"?

Dưới góc độ tâm lý và xã hội học, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, thời nào cũng vậy, nhất là thời hiện đại, đàn ông và đàn bà đều tham gia thị trường lao động. Việc phải tự chăm sóc bản thân, tự nấu nướng là tự chăm sóc cho chính mình. Sau này, bố mẹ muốn con mình không khổ thì phải dạy nấu ăn ngay từ đầu. Thứ 2, xã hội hiện đại, mọi người bình đẳng, đàn ông sẽ giúp vợ mình chăm sóc con cái tốt hơn. Đó chính là điều tuyệt vời cho hạnh phúc gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ chỉ vì người chồng vô tâm, không biết chăm sóc cho bạn đời.

Nếu cả nhà không đồng hành vào bếp thì mất đi cơ hội hòa đồng và dạy con tự lập. Hình ảnh vợ nấu ăn, chồng xem ti vi là hình ảnh phản cảm không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Khi ông bố vào bếp, người mẹ hạnh phúc khi được chia sẻ việc nhà, con cái học làm theo, và họ gìn giữ hạnh phúc gia đình được lâu dài.

"Tôi không thấy mâu thuẫn ở luận đề đàn ông vào bếp sẽ mất đi nam tính. Chính đó mới là nam tính của đàn ông. Đàn ông nam tính là người biết bảo bọc, chăm sóc, yêu thương, nâng niu người mình yêu, nâng niu vợ con mình", bà Thúy phân tích.

Ở phương Tây, đàn ông vào bếp là chuyện tự hào của họ, chứ không mất "nam tính" như người Việt thường  nghĩ. Và trên thực tế, có rất nhiều nam đầu bếp nổi tiếng và thành công trên thế giới.

Biết đâu, sinh ra làm "trụ cột" cho gia đình là gánh nặng của không ít đấng mày râu, còn "trụ cột" tổ ấm lại là gánh nặng của phụ nữ.  Mỗi người có những năng lực khác nhau, hãy để nam, nữ sống với sự lựa chọn của chính mình và của xã hội. Nên phát huy thế mạnh của mỗi người và tôn trọng  ý thích của họ. Đó cũng chính là sự giải phóng cả đàn ông và đàn bà! Đó cũng chính là quan hệ bình đẳng giới đang dần được kiến tạo, dù vẫn còn rất xa…



https://danviet.vn/nu-cong-gia-chanh-khong-chi-danh-cho-phai-dep-20210320171916209.htm

Theo Nhật Lệ  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm