Núi Bà có đá vọng phu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Có lẽ không đâu như nước Việt, dọc theo dải đất hình chữ S, nơi nào cũng “mọc lên” những hòn vọng phu với truyền thuyết lâm li nhưng cũng chỉ xoay quanh hình tượng người phụ nữ trông chồng mà hóa đá. 
Lịch sử nước Việt là cả đoạn đường trường chinh với bao máu và nước mắt, để rồi bao chinh nhân phải ra đi vì nợ nước, chỉ còn lại những người chinh phụ với nỗi buồn đau héo hắt. Phía sau những cuộc chia ly ấy là cả một nỗi niềm dằng dặc thương nhớ, hoài mong: “Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/Dặm hồng bụi cuốn chinh an/Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh…” (Nguyễn Du).
 Hòn vọng phu núi Bà (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: K.N.B
Hòn vọng phu núi Bà (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: K.N.B
Cũng như nàng Tô Thị ở Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), hòn vọng phu nơi núi Bà (Phô Chinh đại sơn, thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã dệt nên hình tượng người phụ nữ Việt với tình thương yêu vô bờ cùng lòng thủy chung sâu sắc đã và đang thách thức với thời gian: “Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ” (ca dao). Núi Bà ở Bình Định được xem như linh sơn của người xứ Nẫu, mặt nhìn ra biển cả, lưng tựa vào Trường Sơn bao la, một mạch phong thủy đặc biệt và cũng là phong cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều chân núi choài ra biển tạo nên bao ghềnh đá, bãi biển đẹp. Đá trông chồng nằm trên một ngọn núi cao khoảng 700 m so với mực nước biển, nằm ở khoảng giữa chùa Linh Phong thiền tự và cửa biển Đề Gi, cách TP. Quy Nhơn gần 25 km, gồm một khối đá cao và một khối đá thấp hơn nằm liền kề trên đỉnh núi, từ mặt biển trông lên giống hình tượng người mẹ và đứa con. Ngoài truyền thuyết xung quanh câu chuyện người vợ trông chồng đi chinh chiến không về mà hóa đá, trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác hết sức lạ lùng, đó là cuộc hôn nhân vô tình giữa 2 anh em ruột. Trong quá trình chung sống, người chồng phát hiện vợ mình chính là đứa em ruột bao năm xa cách. Và sau đó, người chồng đã lặng lẽ bỏ lại vợ con nơi vùng quê nghèo ấy ra đi biền biệt… Người vợ mòn mỏi đợi chờ, dắt con lên núi ngóng trông chồng mà hóa đá. Tuy nhiên, câu chuyện phổ biến vẫn là hình bóng người chinh phu và chinh phụ, kẻ nơi miền quan tái, người ở lại ngậm ngùi thương nhớ trong đợi chờ vô vọng, dẫu biết rằng “lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại…”. Nhạc sĩ Lê Thương trong tác phẩm “Hòn vọng phu 1-2-3” đã thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc của người chinh nhân và nỗi mong chờ của người vợ hiền: “Người vọng phu trong lúc gió mưa/Bế con đã hoài công để đứng chờ/Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về/Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…/Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng/Lấy cây hương thật quý thắp lên thương tiếc chàng…”.
Một sáng mùa xuân, tôi về thăm núi Bà, vùng quê nghèo với những đụn cát trắng, vài mảnh ruộng nhỏ, khô cằn, phía sau là những ngọn núi đá và đá để tìm hiểu xung quanh câu chuyện về đá trông chồng. Một số người lớn tuổi thì hay kể về cuộc hôn nhân éo le để rồi ngày nọ người anh phải ra đi khi biết mình vô tình gây ra tội lỗi; giới trẻ thì vẫn chỉ biết đó là hòn vọng phu mà sách vở và văn học đã phổ biến. Ở đây, tôi có dịp thực địa nơi quần sơn trùng điệp. Ngọn núi có hòn vọng phu là một trong hơn 60 danh sơn trong dãy núi Bà, đa phần là núi đá, nơi có nhiều di tích, danh lam của đất Bình Định. Núi Bà cũng là chứng nhân của bao triều đại chìm nổi của Vương quốc Chăm Pa và sau này dưới thời Nguyễn Nhạc, nơi đây còn chứa đựng nhiều di tích của nhà Tây Sơn. Cũng chính trên mảnh đất này đã chứng chiến những trận thư hùng của các tập đoàn phong kiến và bao lớp trai tráng đã ra đi mà không hẹn ngày về. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Bà đã trở thành căn cứ địa cách mạng của địa phương, góp phần lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Ngày nay, con đường ven biển chạy dọc theo các triền núi Bà từ Cát Tiến về Đề Gi đã được kiên cố hóa và nhiều dự án du lịch ven biển đang được triển khai. Bên cạnh đó, du khách được chiêm ngưỡng những miền quê yên ả nép sát vào các thung lũng từ những ngọn núi phân cách, như Chánh Oai, Chánh Thắng, Chánh Hùng, Hóa Lạc… với cư dân nông nghiệp thuần chất, lâu đời. Dù sống xen cư, một bên núi, một bên biển, nhưng nghề biển chỉ tồn tại và phát triển ở Đề Gi, còn lại các vùng quê khác ngư nghiệp không thịnh hành, chủ yếu là nông nghiệp. Xưa kia, tàu bè đi biển vào Nam ra Bắc của các thương lái khi qua vùng núi Bà thường nhớ câu vè thủy trình: “Ngó vô Cách Thử thương ôi/Trông chồng hóa đá tích đời còn ghi” hay “Hòn núi Kẻ Thử có người bồng con/Nhớ lời thề nước hẹn non/Bồng con tạc đá ghi son để đời”. Còn ca dao ở địa phương, người ta thường tự hào nhắc đến: “Bình Định có đá vọng phu/Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh/Em về xứ Nẫu cùng anh/Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm