Phóng sự - Ký sự

Nước mắt ly hương người Quảng Ngãi: Đêm Sài Gòn nỗi buồn 'giăng' bên xe hủ tiếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sài Gòn hoa lệ có những người lầm lũi mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ. Họ đến từ miền quê mưa dầm, nắng cháy. "Nếu ở quê có việc làm đủ lo cho cuộc sống thì chắc không mấy người chấp nhận cảnh tha hương..."
Mưu sinh bên xe hủ tiếu - Ảnh: Trang Thy
Mưu sinh bên xe hủ tiếu - Ảnh: Trang Thy
"Ở quê chỉ với vài sào ruộng thì không có tiền cho con ăn học"
Mưa chiều giăng trên phố, hẻm nhỏ vắng người qua. Anh Phạm Thành Lập, quê ở xã Phổ Cường (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngồi dưới hiên nhà mắt đượm buồn nhìn xa xăm. Hơn 20 năm mưu sinh bên xe hủ tiếu, anh nếm trải bao buồn vui lẫn nhọc nhằn.
Sau nhiều năm ly hương phiêu dạt, anh chọn chốn mưu sinh lâu dài tại khu vực quận 9, TP.HCM. Buổi sáng, tầm 6 giờ, anh đặt thực phẩm lên chiếc xe hủ tiếu rồi tất bật vào cuộc mưu sinh sớm mai. Gương mặt anh mệt mỏi vì thiếu ngủ nhưng vẫn ráng nở nụ cười tươi khi bưng cho thực khách tô hủ tiếu bốc khói.
Khi người khách cuối cùng ra về, anh Lập dọn dẹp rồi đến chợ mua thực phẩm chuẩn bị bán đến đêm khuya. Về đến phòng trọ, anh luôn tay chặt xương, xắt thịt, nấu nước lèo... ăn vội bữa trưa rồi tranh thủ chợp mắt lúc 2 giờ chiều. Ngủ hơn 2 tiếng, anh thức dậy dọn hàng bán chiều rồi đẩy sang bến đêm cách đấy hơn 1 km khi phố phường lung linh ánh đèn.
 Anh Lập bên xe hủ tiếu - Ảnh NVCC
Anh Lập bên xe hủ tiếu - Ảnh NVCC
"Nếu ở quê có việc làm và thu nhập ổn định, đủ lo cho cuộc sống thì chắc không mấy người chấp nhận cảnh tha hương" 
 Anh Trần An bán hủ tiếu ở quận 9
Lúc đắt khách, anh bận rộn nấu hủ tiếu, bê đến tận bàn, dọn dẹp, rửa tô... vui vẻ nói cười, cho vơi đi mỏi mệt. Mưa và dịch tả lợn khiến thực khách thưa vắng, anh thở dài nhìn đường phố vắng người qua. Chừng 1 giờ rưỡi sáng, anh thu dọn rồi đẩy xe hủ tiếu về phòng trọ với cơ thể rã rời.
"Công việc khá vất vả nhưng khoản lãi chẳng đáng là bao. Mỗi đêm tôi chỉ chợp mắt được 3 giờ đồng hồ. Khách hàng thường là sinh viên và công nhân nên phải lấy giá rẻ thì họ mới đến ăn. Những bữa bán hết hàng lời được gần 400 nghìn đồng, thường thì chỉ đôi ba trăm. Nghề này lấy công làm lời nhưng vẫn phải ráng sức chứ ở quê chỉ với vài sào ruộng thì không có tiền lo cho con ăn học...", anh tâm sự.
 Anh Lập nấu hủ tiếu cho thực khách buổi đêm
Anh Lập nấu hủ tiếu cho thực khách buổi đêm
Cùng quê Phổ Cường có anh Trần An mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu tại quận 9. Công việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng hôm trước đến tận 1 giờ sáng hôm sau. Khách hàng của anh chủ yếu là sinh viên và những người lao động thu nhập thấp nên mỗi tô hủ tiếu chỉ bán với 12.000 đồng. Dẫu vậy, anh vẫn chọn mua những loại thực phẩm tươi ngon để chế biến và bán cho thực khách.
Nhìn giá đỗ, chân giò, thịt heo luộc, hành phi... còn đầy trên xe hủ tiếu, anh thở dài: "Lúc trước bán còn dư chút đỉnh chứ xưa rày ế quá. Tiền trọ, tiền thuê mặt bằng, phải tiết kiệm lắm mới dành dụm được chút đỉnh gửi về quê lo cho các con ăn học...".
Khóc giữa 30 tết, mùng 1 tức tốc trở về quê
Ông Trần Trọng Quy, quê ở xã Phổ Cường, hơn 10 năm mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ tại xã Long Hòa (H. Dầu Tiếng, Bình Dương). Vợ chồng ông chỉ về quê vào dịp tết hay có việc hệ trọng trong gia đình. Ông luôn muốn mình bận rộn chân tay từ 4 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm. Vì những lúc rỗi, nỗi nhớ quê hương da diết cõi lòng. Những lúc như thế, ông muốn bắt xe về quê thăm chơi mươi bữa nhưng rồi lo nghĩ đi lại khó khăn, tốn kém nên đành nhủ lòng để nỗi buồn vơi đi theo ngày tháng.
"Lúc trước rỗi việc là tôi chạy tìm mua xị rượu uống cho bớt nhớ quê. Giờ bị bệnh rối loạn tiền đình nên đành chịu. Chỉ mong mau đến tết để cả gia đình được sum họp nơi quê nhà", ông bộc bạch.
Phố phường thưa vắng, đìu hiu khi màn đêm xuống nhưng những người bán hủ tiếu vẫn mong bám trụ bán được tô nào hay tô ấy, để kiếm ít đồng gửi về quê cho con
Phố phường thưa vắng, đìu hiu khi màn đêm xuống nhưng những người bán hủ tiếu vẫn mong bám trụ bán được tô nào hay tô ấy, để kiếm ít đồng gửi về quê cho con
Khách thưa vắng, anh An thẫn thờ nhìn mưa rơi trên phố, lòng cồn cào nỗi nhớ hai con thơ nơi quê nhà. Nỗi buồn xâm chiếm khi cảm thấy "thui thủi một mình" nơi đất khách. Bởi vậy, chỉ vài tháng là anh lại bắt xe về quê để được ở bên gia đình.
Dịp hè, anh điện thoại bảo vợ đưa hai con vào thăm cha để gia đình đoàn tụ. Vợ chồng anh đưa các con đi chơi, hạnh phúc nhìn chúng khám phá những điều mới lạ trước khi về quê bước vào năm học mới. Những lần sum họp và chia ly đầy lưu luyến.
"Mình cũng chỉ muốn kiếm tiền để lo cho con ăn học nên đành phải xa gia đình. Nếu ở quê có việc làm và thu nhập ổn định, đủ lo cho cuộc sống thì chắc không mấy người chấp nhận cảnh tha hương", anh tâm sự.
 Anh Lập rửa tô trước khi đẩy xe hủ tiếu gõ về phòng trọ
Anh Lập rửa tô trước khi đẩy xe hủ tiếu gõ về phòng trọ
Anh Nguyễn Văn Ngọc và chị Trần Thị Hồng (cũng rời quê H.Đức Phổ, Quảng Ngãi vào nam mưu sinh) kể về cái tết nơi đất khách. Anh bàn với chị lưu lại nơi đô thành bán hủ tiếu dịp tết để kiếm thêm tiền rồi sang tháng hai âm lịch về quê dự cúng đầu năm trong dòng tộc. Chị vội tìm người quen gửi tiền để cha mẹ mua quần áo mới cho hai con và sắm sửa các thứ dâng cúng tổ tiên.
Sáng 30 tết, chị quày quả đạp xe ra chợ mua thực phẩm để sửa soạn mâm cỗ cúng tất niên. Về đến cửa phòng trọ, lòng chị xốn xang khi thấy chồng buồn hiu nhìn khói thuốc bay. Chị sửa soạn mâm cỗ rồi bảo chồng thắp hương khấn vái, cầu mong năm mới bình an. Anh làm theo lời vợ với đôi mắt đượm buồn cùng tiếng thở dài nghe não lòng. Bữa cơm cuối năm anh chỉ gắp dăm miếng thịt rồi buông đũa, uống rượu như gắng xua tan nỗi sầu xa xứ.
Chị nhỏ nhẹ động viên chồng với mắt lệ rưng rưng khiến anh khóc òa. Chị vội điện thoại liên hệ nhiều nơi và may mắn còn chuyến xe về quê vào sáng mùng 1 tết.
"Coi vậy chứ ảnh mủi dạ lắm. Già rồi mà khóc như con nít", chị trêu chồng. Anh mỉm cười góp chuyện: "Cứ nghĩ lúc đó nếu được ở quê thì đang ngồi bên mâm cúng vui vẻ với gia đình cùng anh em bạn bè. Sau đó đến nhà bà con trong xóm chung vui, mời nhau ly rượu chúc mừng ngày xuân. Tết mà thui thủi ở xa quê nên buồn lắm...".
Tha hương là điều chẳng đặng đừng đối với nhiều người dân quê lam lũ. Họ ra đi với nỗi nhớ khôn nguôi. Nơi quê nhà có những người thân yêu luôn đón đợi họ quay về nhưng cuộc mưu sinh nào cũng đầy khắc nghiệt, biết làm sao được!
TRANG THY (thanhnien)
 Anh Trần An bán hủ tiếu ở quận 9

Có thể bạn quan tâm