(GLO)- Như Báo Gia Lai Điện tử đã thông tin, trong 2 ngày (18 và 19-3), trên địa bàn xã Đak Sơ Mei và Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã xảy ra cháy rừng. Tuy thiệt hại về vật chất không lớn (khoảng 1.000 m2 rừng thông) nhưng vụ cháy nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng đang ở mức rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng không được chú trọng đúng mức.
Một vạt đồi bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn. Ảnh: V.N |
Cũng vì buông lỏng quản lý và xem nhẹ công tác PCCC rừng mà Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai đã để xảy ra vụ cháy rừng trên diện rộng trong năm 2018. Hậu quả là 57,6 ha thông ba lá được trồng vào năm 2015 bị cháy rụi, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trong một số cuộc họp tổng kết, đánh giá về công tác bảo vệ, phát triển rừng, có đại biểu cho rằng, diện tích rừng bị cháy hàng năm là không đáng kể (!). Theo chúng tôi, đó là ý kiến thể hiện cái nhìn phiến diện và hơn hết là sự thiếu trách nhiệm đến vô cảm. Bởi lẽ, để phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, những năm qua, tỉnh ta đã dành một phần kinh phí đáng kể để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Bên cạnh công tác trồng rừng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Trong khi công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng đang gặp muôn vàn khó khăn, thách thức thì 1 m2 rừng bị cháy cũng là điều rất đáng trăn trở! Trong khi hoạt động phá rừng chưa được ngăn chặn một cách triệt để thì việc để xảy ra cháy rừng là hành vi cần xem xét trách nhiệm! Trong khi nguồn kinh phí dành cho công tác PCCC rừng không hề nhỏ thì hiệu quả của công tác này phải được đo đếm một cách cụ thể!
Thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT cho thấy, toàn tỉnh có hơn 741.253 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó 597.186 ha đất có rừng (121.216 ha rừng phòng hộ, 56.344 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 70% diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Chư Pah, Ia Grai, Đak Pơ, Mang Yang, Krông Pa… là những khu vực được xác định là trọng điểm có nguy cơ cháy rừng. Trước tình hình đó, ngay khi bước vào mùa khô 2018-2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan có liên quan và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện các biện pháp PCCC rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng quyết liệt triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có công tác PCCC rừng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị chủ rừng, công tác này vẫn chưa được triển khai một cách căn cơ. Vụ cháy rừng ở Đak Đoa vừa qua là một ví dụ.
Được biết, hàng năm, các địa phương, đơn vị chủ rừng đều xây dựng phương án PCCC rừng trên địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, hầu hết phương án đều na ná như nhau và thiếu các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Để công tác PCCC rừng đạt hiệu quả, theo chúng tôi, ngành chức năng cần đề xuất hệ thống chế tài xử lý nghiêm các “ông chủ” được giao quản lý khối tài nguyên khổng lồ của quốc gia. Khi đó, để “an toàn tính mạng”, các địa phương, đơn vị chủ rừng buộc phải nghiêm túc xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án PCCC rừng. Bởi lẽ, nếu không triển khai thực hiện nghiêm túc thì “nước xa không cứu được lửa gần”.
DUY LÊ