Nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa: Hòa nhập và bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở thời điểm mà khái niệm “công dân toàn cầu” không còn quá xa lạ, chuyện nhiều gia đình Việt chọn sống và làm việc tại nước ngoài đang dần không còn là chuyện hiếm. Song, việc con cái trưởng thành trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa cũng đặt ra cho các bậc phụ huynh những câu hỏi khó về việc hòa nhập, thích nghi nhưng vẫn duy trì bản sắc.

Khó đủ bề

Là bạn thời đại học, chị Hán Thị Hiệp (Thanh Hóa) và chồng là anh Nguyễn Văn Đức Long (Gia Lai) tiếp tục cùng nhau hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Hàn Quốc, sau đó cả 2 lại cùng công tác tại Trường Đại học Yeungnam tại xứ sở Kim chi. Gần 10 năm sinh sống và làm việc tại đây, anh chị đã có một cô con gái xinh xắn 5 tuổi, đang học mẫu giáo.

 

Cộng đồng người Việt Nam tại Budapest (Hungary) có riêng một phòng cộng đồng Việt Nam. Ảnh nguồn Internet

Chị Hiệp chia sẻ, thuận lợi lớn nhất khi sống ở Hàn là Aurum-con gái chị-được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Trường rất chú trọng sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, thường xuyên tổ chức những sự kiện để cả gia đình sinh hoạt cùng bé như đi pic-nic, chơi thể thao, tìm hiểu môi trường và thiên nhiên…; hoặc tổ chức các lớp học cho phụ huynh về tâm lý trẻ em, làm thế nào để trò chuyện và trao đổi cùng con…, bởi không phải ai cũng có thể tự dưng trở thành cha mẹ tốt.

Tuy nhiên, trưởng thành trong môi trường đa ngôn ngữ nên cô bé Aurum cũng gặp phải một số khó khăn. Do thời gian đi học nhiều hơn ở nhà nên Aurum nói tiếng Hàn rành hơn; nhiều lúc phải dùng cả tiếng Việt và tiếng Hàn thì mới diễn tả hết ý. Sau này, khi vốn tiếng Việt phong phú hơn thì bé mới có thể diễn đạt tròn ý mà không cần vay mượn tiếng Hàn. Ngoài ra, theo chị Hiệp, một khó khăn khác cũng liên quan đến ngôn ngữ là việc tham gia các lớp chuyên sâu về đạo đức phụ huynh do nhà trường tổ chức, bởi 2 vợ chồng chủ yếu dùng tiếng Anh trong công việc chuyên môn, còn tiếng Hàn chỉ ở mức giao tiếp.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tường Vy, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, hiện đang sống tại TP. Toronto (Canada) cho biết, sau gần 3 năm định cư tại đất nước này, chị cũng rất hài lòng với nền giáo dục tiên tiến tại đây. 2 con chị, một đang học cuối cấp I, một đang học mẫu giáo đều rất tự lập và thích nghi tốt. Chị kể: “Tụi nhỏ được dạy phải tự làm mọi việc, không nhờ vả ai, 4 tuổi phải tự mang thức ăn trưa đi học, tự mặc đồ ấm… Dù thời tiết lạnh, có tuyết rơi vẫn phải ra đường ít nhất 1 tiếng/ngày. Chỉ khi nào nhiệt độ xuống mức âm 15OC trở xuống thì mới chơi trong nhà. Con gái mình mới 10 tuổi nhưng đã biết bàn về chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, thủ tướng Canada, về việc chính phủ thu thuế để làm gì…”.

Dù vậy, chị Tường Vy cũng cho rằng nuôi dạy con trong môi trường mà mình không lớn lên cũng có nhiều cái khó. “Ví dụ, ở đây cha mẹ không được áp đặt, không được đánh con. Mình nhớ có lần con trai chạy chơi bị té để lại vết bầm, sáng hôm sau đi học cô giáo hỏi ngay lý do. Nếu nó mà nói do mẹ đánh thì cô giáo có quyền gọi cảnh sát”-chị Vy chia sẻ. Cũng đã có trường hợp một người ông vì thương cháu, muốn ôm cháu ngủ đã bị cháu… gọi cảnh sát đến giải quyết do xâm phạm thân thể! Bên cạnh đó, gia đình chị cũng gặp khó trong việc phát triển ngôn ngữ của con. Đối với con gái lớn thì khá ổn vì bé sang Canada khi đã 7 tuổi, nhưng với con trai nhỏ của chị thì rối loạn ngôn ngữ đã xảy ra. Ví dụ, khi cần diễn đạt ý “Mẹ ơi, đưa tay cho con” thì bé sẽ nói: “Mẹ give me your tay”! Với vốn từ hạn chế nên các con chị thường trả lời bằng tiếng Anh.  “Có nhiều cái nói tiếng Việt thì con không hiểu. Giải thích vòng vo một hồi mình đuối, nó cũng đuối. Thế là tiếng Anh cho khỏe!”.

Thân thương tiếng Việt

Trong điều kiện đó, việc giúp con sử dụng tiếng Việt thành thạo đang là nỗ lực của nhiều gia đình Việt tại nước ngoài, như một cách kết nối các thành viên trong gia đình, đồng thời gìn giữ bản sắc. “Bên này tụi con nít còn phải học tiếng Pháp nữa nên việc phải tiếp nhận cùng lúc tiếng mẹ đẻ và 2 ngoại ngữ là chuyện không dễ. Bé lớn có năng khiếu ngôn ngữ nên không vấn đề gì, thậm chí còn được cô khen vì học tiếng Pháp tốt. Nhưng con trai út đang học mẫu giáo thì cứ nửa nạc nửa mỡ vậy đó. Chỉ sợ con không biết nói tiếng Việt”-chị Nguyễn Thị Tường Vy trải lòng. Vì vậy, nói tiếng Anh 100% hay 50/50 đang là băn khoăn lớn của chị. Với quan niệm phải cố giữ tiếng mẹ đẻ cho con, giải pháp của chị là thường mua nhiều truyện tiếng Việt sang và cùng đọc với con. Ngoài ra, chị Vy cho biết, để theo kịp sự phát triển của con, vợ chồng chị cũng phải học hỏi rất nhiều về ngôn ngữ, văn hóa, nắm bắt thông tin để thảo luận với con các vấn đề “đại sự” như bầu cử, thuế…

Không gặp nhiều khó khăn bởi khá tương đồng về văn hóa với xứ Hàn, chị Hán Thị Hiệp cho biết chỉ cần khắc phục những rào cản về ngôn ngữ là có thể tự tin nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Đến nay, với nhiều nỗ lực của gia đình như “quy định” cả nhà giao tiếp bằng tiếng Việt, dạy con đọc sách tiếng Việt lớp 1, nhờ con phiên dịch ngôn ngữ từ Việt sang Hàn và ngược lại…, Aurum đã có thể nói tiếng mẹ đẻ rất tốt, đôi khi còn biết sử dụng những từ rất phức tạp. “Thấy vậy mình vui lắm. Nhưng để dạy bé, hiểu bé thì vợ chồng mình cần phải giỏi về tiếng Hàn hơn nữa mới được”-chị Hiệp cho hay.

Dạy cho con về tình yêu quê hương cũng là một “mục tiêu” mà các gia đình xa xứ luôn hướng đến. Chị Hiệp kể, con gái Aurum chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa của 2 từ “quê hương”. Nhưng Aurum nhận biết được rằng ở Việt Nam có tất cả người thân của bé, từ ông bà nội ở Gia Lai, ông bà ngoại ở Bình Dương; bé cũng hay nhắc rằng quảng trường ở Gia Lai có con ngựa trắng… “Mỗi khi về Việt Nam, vợ chồng mình cố gắng cho Aurum có càng nhiều trải nghiệm với quê hương càng tốt. Đi đến đâu và gặp cái gì mình cũng giải thích và giới thiệu cho bé biết. Có lần về quê ngoại ở Thanh Hóa, được đi chợ quê với ông ngoại, được đi dọc bờ đê ngắm nhìn và sờ tận tay con trâu, con bò, con vịt, rồi vào chuồng gà xem gà đẻ trứng…, Aurum thích lắm. Về văn hóa, cả gia đình vẫn duy trì sinh hoạt như ở Việt Nam, vẫn đón Tết cổ truyền và thắp nhang cho ông bà tổ tiên; Aurum cùng ba mẹ trang trí cây mai và chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Aurum có rất nhiều kỷ niệm đẹp với người thân ở quê hương Việt Nam nên Việt Nam rất đỗi gần gũi và thân thương với bé…”-chị Hiệp xúc động bày tỏ.

 Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm