Tảng đá lớn lăn xuống nhà ông Thắng. |
Bỏ đất hoang vì sợ
Khu vực mỏ đá tại thị trấn Thạnh Mỹ rộng 32 héc ta đã được Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty CP Tập đoàn Thaigroup khai thác bằng phương pháp lộ thiên. Thời gian cấp phép kéo dài suốt 29 năm, trữ lượng khai thác hơn 44,3 triệu tấn. Điều đáng nói, mỏ đá này năm sát khu dân cư, khiến người dân rất bức xúc và lo lắng.
Trong quá trình khai thác đá để làm vật liệu xây dựng, những tảng đá nặng hàng tấn từ núi cao lăn xuống rẫy, đè sập nhà người dân. Nếu trước đây, người dân lo lắng nhà máy xi măng Xuân Thành gây ô nhiễm khói bụi, rung chấn khi nổ mìn thì nay, hàng trăm con người sống dưới chân mỏ đá đối mặt với nỗi lo đá đè.
Hoạt động nổ mìn khai thác đá gây chấn động lớn, thậm chí gây nứt nhà dân, nhiều người còn lo lắng sập nhà. Đặc biệt, mỗi khi có mưa lớn, đất đá từ trên núi cao tràn xuống khu dân cư, thậm chí bồi lấp cả tuyến đường Hồ Chí Minh.
Mỏ đá khai thác nằm sát khu dân cư tại thị trấn Thạnh Mỹ. |
Nhà ông Trần Xuân Thắng ở dưới mỏ đá. Thời gian gần đây ông nơm nớp lo sợ bởi khối đá từ công trường khai thác đá lăn xuống vườn nhà ông. Với trọng lượng hàng tấn, những tảng đá có thể gây sập nhà và lăn ra đến tận đường.
Cũng theo người dân thị trấn Thạnh Mỹ, từ đầu năm đến nay, tình trạng đá lăn xuống rẫy, vườn người dân vẫn còn tiếp diễn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chương có 2 héc ta đất rẫy dưới chân mỏ đá. Chồng bà may mắn thoát chết khi tảng đá rất lớn lăn xuống trước mặt. Từ đó đến nay, gia đình bà bỏ đất hoang vì không dám canh tác. Hàng chục héc ta đất dưới chân mỏ đá cũng bỏ hoang. Và cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn.
Nguy hiểm vào mùa mưa bão
Hơn 60 hộ dân thị trấn Thạnh Mỹ sống dưới mỏ nhà máy xi măng Xuân Thành lo lắng hoàn toàn có cơ sở.
Tảng đá 4 tấn làm sập nhà người dân. |
Bởi, mới đây nhất, sau loạt tiếng nổ lớn từ hoạt động nổ mìn lấy đá của nhà máy xi măng Xuân Thành, tảng đá nặng gần 4 tấn đã rơi trúng nhà ông Nguyễn Minh Sơn, khiến ngôi nhà đổ sập.
May mắn, lúc đá lăn không có người ở nhà nên chỉ thiệt hại về tài sản. Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết: “Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm nếu thấy việc khai thác đá gây mất an toàn. Tình trạng đá lăn cũng khiến địa phương lo lắng, nhất là mùa mưa bão sắp đến”.
Cấp phép khai thác mỏ để doanh nghiệp phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách cho địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề an toàn tính mạng, tài sản của người dân dưới chân mỏ đá phải đặt lên hàng đầu.
Đá lăn xuống rẫy nhà bà Chương |
Nhiều người dân tại Thạnh Mỹ mong muốn cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, kiểm tra mức độ an toàn việc nổ mìn, khai thác đá của Công ty xi măng Xuân Thành nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Quảng Nam là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với gần 45 loại, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao như: vàng, cát, cát trắng, đá xây dựng.
Nguồn lợi khoáng sản phong phú một mặt đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý.
Đặc biệt tại miền núi, công tác quản lý khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn. Từ sự chồng chéo giữa các luật, các quy định cho đến ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai của một số tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản chưa cao, chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo giám sát định kỳ theo quy định...
Cạnh đó, việc tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản để đưa vào quy hoạch nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả cũng là câu chuyện của những địa phương miền núi hiện nay.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ TN&MT xây dựng dự kiến sẽ trình kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây, có nhiều quy định về hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Cụ thể, hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch gắn với yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng chống thiên tai.
Đồng thời khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Dự thảo Luật cũng quy định, việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; nhu cầu của thị trường thế giới.
L.Q