Chính trị

Quốc phòng - An ninh

PCA ra Phán quyết- hướng đi cho giải quyết các tranh chấp trên biển?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội đồng trọng tài của PCA ra phán quyết là thắng lợi của luật pháp quốc tế, của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Hai vị khách mời của cuộc Tọa đàm “Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA” là Tiến sĩ Trần Công Trục và Tiến sĩ Phạm Lan Dung, trao đổi về khả năng tuân thủ phán quyết của Tòa, cũng như tác động của cộng đồng quốc tế đối với vụ kiện.

 

Tiến sĩ Trần Công Trục (phải) và Tiến sĩ Phạm Lan Dung (trái) - hai vị khách mời của cuộc Tọa đàm
Tiến sĩ Trần Công Trục (phải) và Tiến sĩ Phạm Lan Dung (trái) - hai vị khách mời của cuộc Tọa đàm "Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA".

* Ngay từ thời gian đầu khi Philippines tiến hành khởi kiện cho đến hôm nay, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng, không tham gia vụ kiện, và sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế. Nếu Trung Quốc giữ nguyên quan điểm này, thì phán quyết của Tòa sẽ có hiệu lực như thế nào? Điều này tác động như thế nào đến vụ kiện và tác động thế nào đến Philippines, và đến cả Trung Quốc?

Tiến sĩ Phạm Lan Dung: Chúng ta cũng đều biết là ngay từ thời điểm đầu tiên từ khi Philippines đưa đơn kiện, Trung Quốc đã phủ nhận quyền tài phán của Tòa và Trung Quốc cũng từ chối không tham gia vụ kiện. Tuy nhiên, trong quá trình vụ kiện Trung Quốc đã có hành động gửi bản lập trường quan điểm của Trung Quốc và gửi lên cho ban thư ký của Tòa.

Trên thực tế và theo như quy định của Luật Quốc tế, nếu một quốc gia phủ nhận quyền tài phán của Tòa thì không có gì sai so với Luật Quốc tế. Việc một quốc gia không tham gia vào một vụ kiện trước một cơ quan Tài phán quốc tế trong thực tế vẫn xảy ra và không có gì sai so với Luật Quốc tế cả. Trong quá trình xét xử vụ kiện, dù một bên không tham gia nhưng Tòa về mặt nguyên tắc vẫn phải xem xét lập trường của các bên một cách khách quan, đầy đủ, kể cả bên không tham gia vào vụ kiện.

Sau khi Tòa xem xét một cách xác đáng, kỹ càng như Tòa trọng tài theo Phụ lục VII đã làm trong vụ việc này, Tòa sẽ đưa ra quyết định. Quyết định của Tòa theo quy định của Luật quốc tế là quyết định cuối cùng và ràng buộc các bên trong tranh chấp. Hay nói cách khác, cả Philippines và Trung Quốc đều có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của Tòa, bất kể là anh có công nhận thẩm quyền hay không và anh có tham gia vào vụ kiện hay không, bởi vì trong Luật Quốc tế có một nguyên tắc là Tòa là cơ quan được quyền quyết định về vấn đề thẩm quyền khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến thẩm quyền.  

Tôi nói như vậy nghĩa là ngày mai, phán quyết được đưa ra phù hợp với quy định của Luật quốc tế, Trung Quốc và Philippines đều có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết đó, bất kể anh là bên thắng kiện hay thua kiện.

Việc mà một bên tuyên bố không tuân thủ phán quyết đấy là hành vi vi phạm Luật quốc tế, không thực hiện nghĩa vụ của Luật quốc tế. Điều này có xảy ra thường xuyên trên thực tế hay không? Chúng ta vẫn phải hiểu với nhau là trên thực tế các nước, nhất là những nước lớn, khi thua kiện trước các Tòa án quốc tế, phản ứng ban đầu của họ thường là tuyên bố tôi không tuân thủ. Họ biết rằng điều này không phù hợp với Luật quốc tế nhưng họ vẫn tuyên bố như vậy.

Nếu chúng ta nhìn lại quá trình nói chung về việc kiện tụng và thực hiện các phán quyết của Tòa, mặc dù ban đầu các cường quốc tuyên bố như thế nhưng về dài hạn các cường quốc đều thực hiện các phán quyết đấy, bằng cách nọ hay cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác. Tại sao? Tại vì các cường quốc luôn luôn muốn giữ vai trò quan trọng, vai trò có ý nghĩa, có ảnh hưởng trên trường quốc tế nói chung. Vì vậy cho nên nếu như họ ngang nhiên không thực hiện phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế mà họ là một thành viên của Công ước đó, điều đấy sẽ làm giảm vai trò và vị thế của họ, không nước nào muốn mình bị ở vị thế như vậy cả. Chúng ta nhìn lại lịch sử kể cả Mỹ, Nga, hay Trung Quốc thì về dài hạn, thì họ đều tuân thủ thôi.

Tiến sĩ Trần Công Trục: Tôi tán thành với những phân tích của Tiến sỹ Lan Dung, tôi cũng xin bổ sung thêm, vụ kiện này có vấn đề hết sức tế nhị, phức tạp, nhạy cảm. Về phía Philippines, họ đã tìm được khe hở trong vấn đề luật pháp để họ kiện đơn phương. Thông thường, phải có bên bị và bên nguyên cùng nhau gửi đơn kiện thì tòa mới thụ lý.Còn riêng vụ kiện này, sau khi nghiên cứu, Philippines đã chọn vấn đề để kiện về việc giải thích áp dụng Công ước sau một quá trình thương thuyết, đàm phán không thành.Chính vì vậy, đơn phương đó vẫn được tòa xem xét. Đây có thể nói là cách đi hết sức hợp pháp, và cho đến nay người ta vẫn duy trì, quyết tâm giữ đơn kiện và quan điểm của mình chờ cho đến khi phán quyết.

Trong thực tế, có nhiều dư luận cho rằng tân Tổng thống mới, Philippines sẽ mềm mỏng hơn, xuống thang hơn. Mặc dù có phán quyết nhưng có thể đồng ý ngồi đàm phán với Trung Quốc song phương, giải quyết tranh chấp giữa 2 nước.

Tôi cho rằng nhận thức này có lẽ có vấn đề.

Tôi nghĩ rằng, người Philippines cũng như Tổng thống mới nói chuyện này không sai. Bởi vì các bạn nên nhớ, trong Biển Đông có rất nhiều loại tranh chấp. Giữa Philippines và Trung Quốc không phải chỉ là tranh chấp về việc giải thích, áp dụng Công ước đâu, mà còn tranh chấp đối với chủ quyền các chủ thể, như Scarborough là một thực thể mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, Philippines cũng đòi hỏi chủ quyền. Chuyện đàm phán để giải quyết chủ quyền đương nhiên họ vẫn làm. Hoặc vấn đề đàm phán giải quyết vùng chồng lấn, được định hình bởi yêu sách trên cơ sở Công ước thì còn phải tiếp tục làm. Mâu thuẫn giữa Philippines với Trung Quốc vẫn còn có những điểm đó, hay đàm phán về môi trường, về bảo vệ môi trường, về đánh bắt cá, lợi ích hàng hải, hàng không… là những câu chuyện tranh chấp còn tồn tại, cần phải tiếp tục đàm phán giải quyết.

Còn phán quyết vào ngày 12-7 chỉ giải quyết một vấn đề thôi, một loại tranh chấp trong số các loại tranh chấp đó. Cho nên Philippines nói sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc là không sai, thậm chí cả đàm phán song phương cũng không sai. Tôi cho rằng đấy là tuyên bố hết sức đúng và rất khéo léo, thậm chí rất mềm mỏng để làm sao đó lôi kéo Trung Quốc, không để cho người ta lợi dụng cớ này, để làm lớn sự việc. Chúng ta nên nhớ điều đó để chúng ta tin vào Philippines. Nếu Philippines muốn rút lui có lẽ họ đã rút đơn từ lâu rồi. Đến giờ phút này họ vẫn chưa rút đơn, vậy nên họ đang chờ phán quyết đấy cũng giống như chúng ta đang chờ phán quyết.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung: Cảm ơn Tiến sỹ Trần Công Trục; tôi có đôi điều muốn bổ sung thêm rất ngắn gọn. Thứ nhất, khi Trung Quốc không tuân thủ về phán quyết, để giúp cho phán quyết đó vẫn được thực thi, chúng ta có thể sử dụng dư luận tiến bộ để gây sức ép với Trung Quốc. Dư luận tiến bộ như chúng ta biết là các nước ở trên thế giới sẽ lên tiếng, hoặc các nhóm nước, các quốc gia sẽ đưa ra những tuyên bố. Họ cũng có thể thực hiện các biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế… gây sức ép. Hoặc các diễn đàn, các tổ chức có thể không mời anh đến dự sự kiện này, tham gia các tổ chức kia…

Thứ hai, quay lại vấn đề Philippines, tôi cũng có một vài điều muốn bình luận. Việc Philippines nói rằng nước này có ý định đàm phán với Trung Quốc để tiến hành khai thác chung, chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề khách quan. Đàm phán đề khai thác chung là quyền chủ quyền của các quốc gia, miễn là việc khai thác chung ấy phải thực hiện đúng quy định của Luật quốc tế.

Tức là anh đàm phán khai thác chung là sự tự nguyện giữa các bên và anh phải đàm phán ở những khu vực chồng lấn mà anh có quyền ở đấy, chứ anh không thể mang ra đàm phán khai thác chung ở khu vực mà anh không có quyền. Phán quyết của tòa sẽ là một cơ sở pháp lý rất tốt để Philippines và Trung Quốc nếu tuân thủ nó sẽ biết được quyền của mình đến đâu, các vùng biển của mình đến đâu và có thể tiến hành đàm phán khai thác chung ở những đâu. Và đó là những cơ sở rất là phù hợp với nhau chứ chúng ta không nên nhìn đấy như là một vấn đề tiêu cực.Trừ phi việc đàm phán không không phù hợp với phán quyết của tòa, không phù hợp với quy định của Luật quốc tế thì lúc đấy dư luận quốc tế và các nước khác chắc chắn sẽ có ý kiến.

* Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, được biết, ông là người đầu tiên ở châu Á dịch Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ông cũng là người nghiên cứu sâu và có nhiều tác phẩm về vấn đề chủ quyền, biên giới. Đặc biệt là cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù Việt Nam không phải là một bên tham gia vụ kiện, nhưng phán quyết của PCA có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam. Ông có nhận định gì về điều này? Ý nghĩa của Phán quyết của PCA đối với Việt Nam và trong trường hợp này, Việt Nam nên có hành động như thế nào để bảo đảm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Cho đến giờ phút này chúng ta cũng mới chỉ dự kiến về phán quyết này sẽ như thế nào mà thôi. Có phán quyết thực ra không phải Philippines thắng và cũng không phải Trung Quốc thắng, không có chuyện thắng hay thua ở đây. Tức là vụ kiện này làm sao đó phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế, bảo vệ được công lý, đây là thắng lợi của luật pháp quốc tế.  

Khi bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia, kể cả Philippines và Trung Quốc, tôi xin nhấn mạnh chữ “chính đáng”, còn quyền lợi được xác lập một cách viển vông và tham vọng chúng ta không bao giờ bảo vệ được. Cho nên thắng lợi ở đây là thắng lợi của công lý, thắng lợi của luật pháp, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 mà loài người đã dày công đàm phán và xây dựng nó, từ đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1982 mới ký kết, và đến năm 1994 mới có hiệu lực.

Nghĩa là có một khoảng thời gian dài mà loài người xây dựng nó và trở thành như một Hiến pháp xanh của nhân loại, và dùng nó xử lý mọi vấn đề trên biển và đại dương trong cộng đồng quốc tế. Đấy là điều mà chúng ta rõ ràng phải có trách nhiệm bảo vệ. Nếu phán quyết này bảo vệ được công lý rõ ràng Việt Nam quá lợi, có một tác dụng hết sức tích cực.

Hơn nữa, như các bạn biết, nếu xét về vị trí địa lý và nếu xét về quá trình xác lập và thực thi các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông thì tôi nghĩ rằng Việt Nam là một trong những nước có quyền và lợi ích cao nhất so với các nước trong khu vực. Cho nên phán quyết mà bảo vệ được Công lý, bảo vệ được Công ước có hiệu quả, hiệu lực thì rõ ràng đây là một vụ việc hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải khai thác và nắm được chắc nó, để tiếp tục đấu tranh, để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Nếu chúng ta không muốn đổ máu, không muốn chiến tranh xung đột thì phải dùng biện pháp pháp lý để giải quyết một cách sòng phẳng và công bằng. Tôi nghĩ đấy là một thắng lợi của Việt Nam, một ý nghĩa rất lớn mà chúng ta cần khai thác. Muốn như vậy, chúng ta phải hiểu, chúng ta phải nắm rất chắc rằng kiện cái gì, điều này rất quan trọng.Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người nhầm lẫn về vụ kiện này.Và cách phát biểu của các nước có dụng ý gì, tại sao thì chúng ta phải nghiên cứu và bình tĩnh từ đó chúng ta có những quyết sách, đặc biệt là phương hướng sử dụng khai thác quyết sách ấy.

Cho đến nay các lãnh đạo của ta đã có tuyên bố công khai rằng, Việt Nam có chủ trương đàm phán và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình. Con đường hòa bình gồm có đàm phán song phương, đa phương, kể cả dùng đến các cơ quan tài phán.

Cho nên phán quyết lần này là một tiền lệ, một bài học để chúng ta có thể nghiên cứu, nghiêm túc sử dụng nó, nhất là vào thời gian chúng ra đang gặp khó khăn về nhiều mặt như kinh tế, quân sự quốc phòng… Cái mà chúng ta có cơ sở nhất, mạnh mẽ nhất để chúng ta đấu tranh đấy mới là điều chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể khai thác được điểm này.

 

Một phiên tranh tụng tại PCA.
Một phiên tranh tụng tại PCA.

* Thưa các vị, việc PCA sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện, có thể nói đó đã là thắng lợi ban đầu của Luật pháp quốc tế đối với các vấn đề gây tranh cãi giữa các nước. Phán quyết của Tòa liệu có thể gợi mở các giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển trong tương lai?  

Tiến sĩ Phạm Lan Dung: Khả năng phán quyết của tòa có thể gợi mở các giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ sau này thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nội dung phán quyết sẽ theo hướng như thế nào. Nếu như nội dung phán quyết theo hướng tích cực, tôi nói theo hướng tích cực thì chúng ta tạm hiểu là nó có lợi cho bên nguyên đơn là Philippines. Điều này có nghĩa rằng tòa xác định được quy chế pháp lý của các thực thể, tòa xác định được các thực thể đấy nằm ở đâu, tòa nói rằng “yêu sách đường lưỡi bò” là không phù hợp với Luật quốc tế, tòa phân tích kỹ những hành vi của Trung Quốc ở các vùng biển mà Philippines yêu cầu tòa phán xét là nó vi phạm về quyền chủ quyền của Philippines. Nếu phán quyết đưa ra theo hướng hoàn toàn như vậy, có lẽ là nhiệm vụ mà các nước còn phải làm là làm thế nào để thúc đẩy Trung Quốc thực hiện theo phán quyết đó và có khả năng Trung Quốc sẽ hợp tác hữu nghị là cao, bởi vì mọi vấn đề đều đã rõ ràng về mặt pháp lý kể cả thời gian ban đầu Trung Quốc có thể có những phản ứng tiêu cực. Nếu phán quyết đã theo hướng rất rõ ràng, mở một con đường như thế nào là đúng, như thế nào là sai như vậy tôi thấy kịch bản sẽ đơn giản hơn và chúng ta cũng không cần phải bàn nhiều nữa.

Nhưng nếu trong trường hợp phán quyết giải quyết được một số vấn đề nhưng không thể giải quyết hết được các vấn đề thì chúng ta cần làm gì. Tôi cho rằng kịch bản này là có khả năng nhất. Với các vấn đề đã rõ ràng thì các quốc gia, các học giả, các cơ chế khác nhau nên tìm cách giải thích, tuyên truyền để dư luận nắm được, hiểu được tòa đàm phán cái gì, nói cái gì là đúng là sai. Trên cơ sở đó sẽ có những tác động nhất định để cho các bên thực thi phán quyết đấy. Tôi cũng mở ngoặc là các bên có quyền bất kỳ thời điểm nào cũng có thể đàm phán với nhau để thực hiện phán quyết và thực hiện quyền mà họ có hợp pháp.

Còn với những vấn đề mà tòa không giải quyết được, có lẽ là nó đề ra một số khả năng như sau: thứ nhất là các nước khác trong khu vực (kể cả Philippines và Việt Nam) sẽ cần phải tính đến là liệu chúng ta có nên một phiên kiện mới để yêu cầu tòa làm rõ những vấn đề đó hay không nếu như thấy khả năng tòa vẫn có thể làm rõ được. Còn nếu như nó đóng lại các khả năng đấy, cũng là một việc khiến chúng ta nghĩ rằng bằng một phán quyết như thế, sẽ làm cho các bên e ngại rằng sẽ không có cách nào giải quyết được nữa, bởi vì tòa đã từ chối không giải quyết rồi.

Còn kịch bản phán quyết hoàn toàn không có lợi cho Philippines thì tôi nghĩ rằng kịch bản đấy sẽ không xảy ra.Vậy nên tôi cũng không bàn đến về vấn đề này.

* Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia Tọa đàm.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm