Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát hiện nhiều di vật trước công nguyên ở di tích đền Huyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 14-12, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố kết quả bước đầu khai quật di tích đền Huyện.
 

Đoàn thám sát khảo cổ học tại đền Huyện phát hiện nhiều di vật có niên đại từ thế kỷ 1-2 trước Công Nguyên đến thế kỷ 17-18.
Đoàn thám sát khảo cổ học tại đền Huyện phát hiện nhiều di vật có niên đại từ thế kỷ 1-2 trước Công Nguyên đến thế kỷ 17-18.

Trước đó, từ ngày 2 đến 10-12, được phép Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Văn Hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn tiến hành đào 3 hố thám sát khảo cổ học tại đền Huyện (thuộc xã Tả Ao, tổng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Nghệ An, nay là thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Theo báo cáo của đoàn khảo cổ học, kết quả thám sát tại 3 hố đã phát hiện nhiều loại hình di vật gồm: vật liệu kiến trúc, gốm men, đồ sứ, đồ sành, gốm thô, tiền đồng… có niên đại từ thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 17-18.

Sự xuất hiện của các loại gốm thô cho thấy ngay từ những thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên, nơi đây là một điểm tụ cư của cư dân thời sơ sử. Những phát hiện này cung cấp những manh mối cho việc nghiên cứu giai đoạn Tiền sơ sử khu vực Nghi Xuân, từ đó tìm hiểu và làm rõ đời sống văn hóa của các cư dân ở Xuân An, Bãi Cọi, đền Huyện và những thôn làng trù phú, nơi cư trú của các cộng đồng cư dân dọc bên hữu ngạn sông Lam thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên.

 

Các hiện vật gốm thô thời kỳ 1-2 trước Công Nguyên.
Các hiện vật gốm thô thời kỳ 1-2 trước Công Nguyên.

Sự tập trung đậm đặc của các loại vật liệu kiến trúc thời Đường cùng nhiều loại hình đồ gốm men, trong đó có sự góp mặt của loại bình 6 quai cho thấy vị thế địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của địa điểm này trong khu lưu vực sông Lam. Đó cũng chính là nguyên nhân các thời Lý, Trần và Lê sau này tiếp tục chọn và xây dựng các công trình kiến trúc ở đây. Mặc dù chưa phát hiện được dấu vết kiến trúc thời Lý tại đây, song cũng đã tìm thấy một số di vật của thời kỳ này.
 

Các loại hình gồm men, đồ sứ thuộc thời Đường thế kỷ 7-9.
Các loại hình gồm men, đồ sứ thuộc thời Đường thế kỷ 7-9.

Các dấu vết thời Trần đã được tìm thấy ở cả 3 hố khai quật cùng với rất nhiều loại hình di vật khác nhau. Đặc biệt, các loại hình di vật phát hiện tại hố 1 cho thấy các kiến trúc thời Trần tại đây được trang trí theo phong cách kiến trúc hoàng cung với các đề tài trang trí như hình rồng, lá đề... thể hiện tính vương quyền và tư tưởng của Phật giáo.

Phát hiện dấu vết tháp tại hố 2 là phát hiện quan trọng nhất. Mặc dù mới phát hiện một số cấu kiện của tháp nhưng các ghi chú và họa tiết trang trí trên cấu kiện thì đây là một tòa tháp có quy mô khá lớn. Việc phát hiện kiến trúc tháp nhiều tầng tại đây là bằng chứng quan trọng cho biết dưới thời Trần, tại khu vực đền Huyện có quần thể kiến trúc chùa Tháp. Do vậy, nếu như việc thờ phụng Minh Uy vương Lý Nhật Quang được thực hiện tại đây ngay từ thời Lý tính chất của quần thể chùa tháp ở đây sẽ là cấu trúc “tiền Phật, hậu Thánh”.

Từ những phát hiện trên, đoàn khảo cổ học đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các cấp, ngành liên quan cần quan tâm đầu tư nghiên cứu làm rõ các các giá trị của di tích này. Việc nghiên cứu và làm rõ giá trị của di tích không chỉ cho biết lịch sử của di tích mà còn là cơ sở quan trọng xác định vị trí và vai trò của miền đất Hà Tĩnh dưới thời Trần. Tư liệu thu được qua các cuộc khai quật là cơ sở quan trọng cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đền Huyện là di tích cấp Quốc gia.

Phạm Đức/thanhnien

Có thể bạn quan tâm