Phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng với Khu di tích lịch sử K20, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và các di tích văn hóa, lịch sử khác, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao Bằng chứng nhận Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao Bằng chứng nhận Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Ngày 25/3, tại Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành đã trao Bằng chứng nhận Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết chính quyền và người dân thành phố vui mừng và tự hào khi Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với Khu di tích lịch sử K20, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và các di tích văn hóa, lịch sử khác, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao của thành phố.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị chính quyền quận Ngũ Hành Sơn cần đặc biệt quan tâm quản lý, tôn tạo, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch danh thắng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn để đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh mang đặc trưng riêng của quận.
Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn còn có tên gọi khác là Lễ hội Quán Âm 19/2, được tổ chức hàng năm tại Chùa Quán Thế Âm, số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn và các địa điểm liên quan khác tại Di tích quốc gia đặc biệt-Di tích danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
Đây là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt-Di tích danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 được tổ chức trong ba ngày (17-19 tháng 2 âm lịch hằng năm), trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức.
Lễ hội gồm hai phần là lễ và hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Phần hội là những sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm, phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen kết hợp giữa phần lễ và phần hội. Hai phần này hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và ngược lại trong hội có lễ.
Ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đây là một lễ hội được tổ chức quy mô lớn, kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn tổ chức đón nhận Quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính quận Ngũ Hành Sơn từ loại 2 lên loại 1.
Quận Ngũ Hành Sơn được thành lập theo Nghị quyết số 07 ngày 23/1/1997 của Chính phủ trên cơ sở diện tích của ba phường: Bắc Mỹ An, Hòa Hải và Hòa Quý.
Đến năm 2005, sau khi tiếp tục chia tách, quận Ngũ Hành Sơn có 4 phường loại 1. Với đặc điểm thuận lợi về đất đai, thời tiết, quận Ngũ Hành Sơn có một vài trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, nhất là về thương mại, dịch vụ và du lịch.
Qua 24 năm xây dựng và phát triển, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần người dân nơi đây được nâng cao.
Trần Lê Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm