Theo ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Sơn, Bình Định, hai di tích cấp quốc gia đặc biệt là tiềm năng lớn để huyện phát triển du lịch theo hướng di tích lịch sử, văn hóa.
Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Nguồn: Tổng cục Du lịch |
Huyện Tây Sơn (Bình Định) có 20 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt và 7 danh thắng liên quan đến triều đại Tây Sơn gắn liền với tên tuổi người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ. Do vậy, Tây Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với văn hóa của vùng đất võ hào hùng.
Bình Định có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt đều nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn. Đó là điện thờ Tây Sơn tam kiệt và tháp Dương Long. Tháp Dương Long mang đậm dấu ấn ở kiến trúc tinh xảo của nền văn hóa Chăm Pa trong khi điện thờ Tây Sơn tam kiệt lại mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa về một triều đại hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Sơn, hai di tích cấp quốc gia đặc biệt là tiềm năng lớn để huyện phát triển du lịch theo hướng di tích lịch sử, văn hóa.
"Từ hai di tích này, chúng tôi sẽ tạo nên các điểm nhấn để xây dựng, kết nối thành các tour, các tuyến du lịch theo chuỗi trên địa bàn," ông Toàn nói.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện Tây Sơn tham gia đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế. Việc kết nối các tuyến, tour du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chưa nhiều.
Ông Toàn nhận định các sản phẩm lưu niệm của Tây Sơn hiện còn đơn điệu, chưa mang tính đặc trưng. Địa phương chưa hình thành các khu du lịch, thương mại, dịch vụ tập trung. Trong khi đó, lượng khách du lịch lưu trú tại huyện còn thấp. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, Tây Sơn còn có nhiều danh lam thắng cảnh để phát triển được nhiều loại hình du lịch. Chẳng hạn danh thắng Hầm Hô là nơi khởi nguồn của một nhánh phụ lưu sông Kôn với núi sông hùng vĩ. Danh thắng Hầm Hô hiện đã có một đơn vị vào đầu tư phát triển du lịch. Nhờ khai thác tối đa lợi thế thiên nhiên vừa biết cách tạo ra điểm nhấn, mới mẻ, nơi đây đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày.
Chị Lữ Thị Anh Thư, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Cảnh ở khu du lịch Hầm Hô giữ lại được nguyên vẹn các giá trị thiên nhiên hoang sơ, có sông nước, có rừng cây. Đặc biệt, việc di chuyển tham quan khu du lịch bằng thuyền qua các con suối đã tạo cho tôi cảm giác khá mới mẻ, hấp dẫn."
Hầm Hô vẫn còn nhiều tiềm năng để tổ chức các tour du lịch khác biệt, ấn tượng.
Anh Phan Thanh Nhiên, huấn luyện viên lĩnh vực thể thao mạo hiểm đến từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: “Mình có một số ý tưởng cho khu vực này thu hút và nhiều trải nghiệm hơn. Đó là làm hệ thống trượt zipline để ngắm cảnh dòng suối từ trên cao và tạo cảm giác hứng thú cho du khách."
Bên cạnh đó, Tây Sơn còn có nhiều giá trị văn hóa có thể xây dựng thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Đó là các chương trình biểu diễn võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn, lễ hội Đống Đa.
Trong định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Tây Sơn đã đề ra giải pháp tiếp tục tôn tạo các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn. Đồng thời, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt với các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn cho biết ngoài việc xây dựng hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư, huyện tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm lưu niệm để khi du khách đến tham quan, du lịch sẽ có những món quà kỷ niệm và luôn luôn nhớ về nơi địa linh nhân kiệt này.
Tường Quân (TTXVN/Vietnam+)