Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các tổ hòa giải ở xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai) đã tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, không để phát sinh thành những “điểm nóng”, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Ngọc-cho biết: Thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy vai trò của các tổ hòa giải. Hàng năm, xã đều chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01/2016/HĐND-UBND-UBMTTQ về đảm bảo an ninh trật tự với xã giáp ranh là xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.  
 Với sự đồng lòng, đoàn kết, người dân thôn Thống Nhất (xã Chư Ngọc) đã hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: G.H
Với sự đồng lòng, đoàn kết, người dân thôn Thống Nhất (xã Chư Ngọc) đã hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: G.H
Thôn Thống Nhất là một trong những điểm sáng của xã Chư Ngọc về công tác hòa giải. Những năm qua, thôn không có người mắc tệ nạn xã hội, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Người dân trong thôn sống rất đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Lương Văn Toản-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất-cho hay: “Người dân gặp bất cứ chuyện gì, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái đến tranh chấp đất đai, bất hòa với nhau, họ đều tìm đến nhờ cán bộ thôn tư vấn, giải quyết. Khi đó, chúng tôi phải xuống xác minh cụ thể từng sự việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bên, từ đó tìm ra nguyên nhân rồi phân tích thấu tình đạt lý cho cả hai bên hiểu”.
Cũng theo ông Toản, phương châm của tổ hòa giải thôn là giải quyết thỏa đáng, dứt điểm những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh. Ngoài ra, trong những lần họp thôn, cán bộ đều tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan để tiết kiệm chi phí trong ma chay, cưới hỏi; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Ngọc, từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã hòa giải được 11 vụ việc lớn nhỏ tại khu dân cư như: mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn anh em dòng họ hoặc trong thanh-thiếu niên... Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngay sau khi có thông tin về nơi xảy ra mâu thuẫn, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đều cử cán bộ xuống phối hợp với tổ hòa giải ở thôn, buôn nắm tình hình rồi họp bàn đưa ra các biện pháp hòa giải hợp tình, hợp lý để hai bên cùng thống nhất. Nhờ đó, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo vượt cấp trên địa bàn đã giảm đáng kể.  
“Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ hòa giải cũng gặp một số khó khăn như: nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do vậy, khi có những tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản thì rất khó thuyết phục các bên tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng huyện mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cử hòa giải viên tham gia hội thi hòa giải viên giỏi cấp huyện để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức pháp luật phục vụ công tác tại cơ sở”-ông Hùng thông tin thêm.
 GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm