Phát triển điểm đến, đa dạng sản phẩm để thu hút du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều địa phương tập trung phát triển, hoàn thiện các điểm đến mới, bổ sung dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh để thu hút du khách hậu dịch COVID-19.
 
Du khách tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim bằng nhà nổi trên sông. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Du khách tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim bằng nhà nổi trên sông. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, khẳng định điểm đến an toàn, phát triển sản phẩm mới là những giải pháp đang được ngành du lịch các địa phương khu vực Nam Bộ cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nỗ lực thực hiện để thu hút du khách trở lại, tạo đà cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phát triển điểm đến, linh hoạt các sản phẩm
Với mục tiêu để thu hút du khách trở lại sau thời gian tạm gián đoạn vì ảnh hưởng dịch bệnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch phải có sức hấp dẫn, mới mẻ, nhiều địa phương đã tập trung phát triển, hoàn thiện các điểm đến mới, bổ sung dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Đồng Tháp đã công nhận thêm 14 điểm phát triển du lịch cộng đồng như điểm du lịch ẩm thực hoa hồng Thi Thơ, điểm du lịch tham quan du thuyền vượt cạn khu du lịch sinh thái Ao Nhà... góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của vùng đất Sen hồng.
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai, hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty đầu tư và phát triển Bửu Long và Công ty thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo đã ký kết hợp tác khai thác tuyến du lịch đường sông Đồng Nai với các điểm đến tiêu biểu theo các tuyến như bến Nguyễn Văn Trụ-chùa Ông-chùa Châu Đốc 3-cù lao Ba Xê-làng cá bè Tân Mai-khi du lịch Bửu Long; bến Nguyễn Văn Trị-làng bưởi Tân Triểu-khu du lịch Bửu Long…
Với việc phát triển thêm các tuyến du lịch đường sông, ngành du lịch tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hút cho du khách, trước mắt là khách nội địa trong bối cảnh chưa đón khách quốc tế trở lại.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành đã linh hoạt xây dựng, giới thiệu đến du khách các sản phẩm tour có hành trình là điểm đến an toàn, lộ trình được chọn lọc theo hướng tiện lợi, phù hợp nhiều đối tượng du khách.
Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, doanh nghiệp giới thiệu đến du khách một số hành trình tour đi bằng xe nhỏ thậm chí có những tour được xây dựng với việc khách hàng sẽ sử dụng chính xe của gia đình.
Bên cạnh đó các tour tham quan nội đô Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường sông vẫn được một số du khách lựa chọn. Linh hoạt khai thác điểm đến an toàn, theo đại diện Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, doanh nghiệp đã thiết kế bộ sản phẩm phù hợp với yêu cầu của du khách là các điểm đến trong nước, từ hành trình ngắn, đi về trong ngày cho đến các hành trình dài 4-5 ngày.
Chẳng hạn, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh muốn đi và về ngay trong ngày có tour đến làng hoa Sa Đéc, tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cùng ở tỉnh Đồng Tháp, thưởng thức ẩm thực tại điểm du lịch cộng đồng Homestay Ếch và Hoa ngay tại đất Sen hồng.
Du khách cũng có thể lựa chọn hành trình tour dài hơn, từ 2-5 ngày với các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm phù hợp như tham quan khu du lịch Rin Rin Park ở huyện Hóc Môn với điểm nhấn là không gian xanh và hồ cá koi đặc sắc, sau đó đến địa đạo Củ Chi cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh và đến tỉnh Tây Ninh, tham quan Tòa thánh Tây Ninh, núi Bà Đen hoặc lên vùng đất Tây Nguyên, đến trang trại Rau và Hoa, tham quan thác Đambri… 
Chiến lược phát triển bền vững
Bên cạnh các giải pháp nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch, trước mắt là đối với thị trường nội địa, ngành du lịch các địa phương cũng xác định nhiều giải pháp mang tính chiến lược để phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
 
Du khách tham quan, trải nghiệm quần đảo Hải Tặc, thị xã Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Du khách tham quan, trải nghiệm quần đảo Hải Tặc, thị xã Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Nhấn mạnh sản phẩm là một trong những yếu tố quan trong để thu hút du khách, tạo nên thương hiệu cho du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết Bạc Liêu đã ban hành chương trình hành động về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; trong đó đặt mục tiêu khai thác phát triển du lịch theo hướng nhân văn, bền vững.
Vì vậy, tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng điểm đến Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, phát triển du lịch khu vực ven biển Bạc Liêu với các sản phẩm đặc thù như du lịch điện gió, du lịch kết hợp tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Tỉnh cũng xây dựng các đề án để rà soát, đánh giá tài nguyên du lịch nhằm tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch của tỉnh gồm 5 không gian: Trung tâm thành phố Bạc Liêu, ven biển thành phố Bạc Liêu, vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), các huyện Giá Rai-Đông Hải và không gian du lịch các huyện Vĩnh Lợi-Hồng Dân-Phước Long.
Bạc Liêu chủ trương xây dựng các chiến lược đồng bộ, có trọng điểm, tránh trùng lặp giữa các không gian du lịch của tỉnh và trùng lặp với các địa phương cùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tới năm 2025 với mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và nhân văn trên địa bàn.
Các sản phẩm này mang tính đặc trưng, khác biệt và có tính cạnh tranh so với các sản phẩm du lịch ở các địa phương biển đảo khác. Dựa vào tiềm năng thiên nhiên và nhân văn, hệ thống dịch vụ du lịch hiện có, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển các loại hình du lịch chính, đó là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lễ hội và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị-hội thảo) và một số loại hình du lịch kết hợp là du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh quảng bá, tạo sự lan tỏa để thu hút du khách chính là điểm đến thành phố biển Vũng Tàu-địa phương đã được nhận danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trao tặng vào đầu năm 2020.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm