Phát triển du lịch từ cây "quốc bảo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du khách đến thủ phủ của sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum để có thể tìm hiểu, tận mắt chứng kiến quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ loài cây "quốc bảo" này.
Từ năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 đã phát hiện vùng núi Ngọc Linh, thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có loài sâm với giá trị dinh dưỡng cao. Tên của núi Ngọc Linh đã được dùng để đặt tên cho loài sâm này.
Từ đây, sâm Ngọc Linh nhanh chóng được người dân khắp nơi trong cả nước, thế giới biết tới bởi giá trị lớn về chất lượng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi tới thăm vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông đã công nhận sâm Ngọc Linh là "quốc bảo". Chính quyền tỉnh Kon Tum đã có nhiều chương trình, kế sách để phát triển cũng như bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng hơn 1.200 ha sâm Ngọc Linh và quy hoạch hàng chục ngàn hecta để trồng loài cây "quốc bảo" này.
Tuy nhiên, rất ít người biết để có được các sản phẩm đó, cây sâm Ngọc Linh phải trải qua những giai đoạn nào. Thậm chí, đối với người dân bản địa, sâm Ngọc Linh là loài "thuốc giấu", không dễ tiết lộ địa điểm trồng, diện tích trồng cho người khác biết. Bên cạnh đó, thủ phủ của sâm Ngọc Linh là đỉnh núi Ngọc Linh còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp.
 
Đoàn khách tham quan vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum
Đoàn khách tham quan vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết chính quyền huyện xem nơi đây là tiềm năng để phát triển du lịch khám phá, chinh phục đỉnh Ngọc Linh kết hợp tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Du khách đến tham quan vườn sâm sẽ được tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc, sinh trưởng, bảo vệ và thu hoạch sâm; sẽ biết được cách công nhân đặt bẫy bắt loài "chuột quý tộc" chuyên ăn sâm, cách đuổi những con chim trĩ đến ăn quả mùa sâm chín, biết thời gian nào thì sâm vào kỳ ngủ đông.
Huyện Tu Mơ Rông nằm ở độ cao trên 1.000 m, độ ẩm lớn nên ngoài sâm Ngọc Linh, còn rất nhiều dược liệu quý như: đẳng sâm, ngũ vị tử, đương quy, lan kim tuyến, sa nhân. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết. Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng, mất rừng thì không thể phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. Khi không còn sâm Ngọc Linh thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch. Ông Mạnh cho rằng phát triển cây sâm, dược liệu và phát triển du lịch là con đường để đồng bào dân tộc Xê Đăng địa phương thoát nghèo, hướng tới làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết với lợi thế diện tích rừng lớn, độ che phủ 63%, khí hậu mát mẻ, tỉnh Kon Tum có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, phù hợp với các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng... Nổi bật là những vườn sâm Ngọc Linh mà từ trước tới nay du khách rất ít khi được khám phá.
Theo Bài và ảnh: Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm