Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển giống lúa lai: Cần cú hích mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với lợi thế phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, cây lúa nước cũng chiếm diện tích khá lớn trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Hiện tại, tổng diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm đạt xấp xỉ 70.000 ha tập trung tại một số huyện trọng điểm như Phú Thiện, Ia Pa, Đak Đoa…

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước, chương trình đầu tư phát triển giống lúa lai chất lượng cao phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở Gia Lai đã được ngành nông nghiệp quan tâm. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh, từ năm 2002 đến 2006, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng triển khai dự án chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước tại một số huyện như: Ia Pa, Đak Đoa, Mang Yang và TP. Pleiku…
 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Đặc biệt, ưu tiên xây dựng các mô hình sản xuất lúa lai với diện tích hàng năm đều tăng. Qua nhiều năm khảo nghiệm đã cho ra giống lúa lai: Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, Bio 404, HYT 83…, năng suất bình quân đạt 3-3,5 tấn/ha. Kết quả này giúp nông dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa lai, nhất là năm 2007 toàn tỉnh đã sản xuất được trên 1.000 ha lúa lai. Tuy nhiên, những năm tiếp theo đã giảm dần diện tích.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không mặn mà trong sản xuất lúa lai như đồng ruộng khu vực các huyện phía Tây không bằng phẳng. Hệ thống mương tiêu nước chưa tốt dẫn đến việc điều tiết nước tưới gặp không ít khó khăn. Nhiều cánh đồng không chủ động được nguồn nước tưới. Do thị trường tiêu thụ không chủ động và ít đại lý thu mua nên nông dân không dám sản xuất nhiều.

Theo nhiều nông dân xã An Phú, nơi vừa khôi phục sản xuất lại 5 ha giống lúa lai Bio 404 trong vụ mùa 2012, nguyên nhân nông dân không thích sản xuất lúa lai như trước là do giá lúa giống cao gấp 2-3 lần  so với giống lúa nguyên chủng. Đặc biệt, việc tiêu thụ rất khó khăn và có ý kiến cho rằng nếu được hỗ trợ 50% giống lúa thì nông dân sẽ quay lại trồng như trước đây.

Ông Trần Xuân Minh- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh cho biết: “So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, việc sản xuất lúa lai trên địa bàn tỉnh ta gặp không ít khó khăn, dù Trung tâm đã liên kết sản xuất lúa  lai với năng suất cao 6-8 tấn/ha. Theo ông, để sản xuất lúa lai phát triển bền vững, trong thời gian tới tỉnh cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa lai tập trung, với những cánh đồng rộng từ 5 ha trở lên. Có chính sách hỗ trợ về giá giống để khuyến khích nông dân phát triển lúa lai trên diện rộng.

Đồng thời tạo điều kiện cho Trung tâm sản xuất giống lúa lai chủ động cho nông dân sản xuất trong mỗi mùa vụ. Có như vậy, thì việc phát triển lúa lai mới đi vào ổn định”.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm