Báo xuân

Phiếm luận ngày Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã hội đang ngày càng tiến lên, kinh tế đang phát triển với tốc độ phi mã, GDP ngày càng tăng trưởng mà đem chuyện khó nghèo ra nói vào mấy ngày Xuân, e có nên chăng? Tuy nhiên, Tết đến Xuân về, thế nào mà chẳng có đôi lúc trà dư tửu hậu, nhân lúc rảnh rỗi cùng nhắc lại đôi vần thơ về những cái “Tết nghèo” của các bậc danh sĩ xưa cũng là cách “ôn cố tri tân” vậy.

Các bậc danh nhân, danh sĩ ngày xưa thường có thơ tự trào. “Tự trào” tức là tự cười mình, tự chế giễu, châm biếm bản thân và hoàn cảnh của mình, bất chấp cái tâm lý “tốt khoe, xấu che”. Lối thơ này thời nay ít gặp.

Thơ tự trào thường có ở những nhân vật lão thực, bản lĩnh, tự tin, dám ngang nhiên mang cái “thua kém” của mình, đặc biệt là cái nghèo ra “khoe” với thiên hạ, bằng một cách nói hóm hỉnh, ngoa dụ, thông minh, bởi họ là những kẻ sĩ thứ thiệt. Mà kẻ sĩ chân chính thì thường là… nghèo!

Ông đồ viết câu đối Tết. Ảnh: Đình Chiến



Trong thơ văn cổ cận đại Việt Nam, hẳn nhiều người còn nhớ cặp “thơ nghèo” rất tiêu biểu, một của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ và một của Ông tú Thành Nam Trần Tế Xương.

Đây là cảnh Tết nghèo của Nguyễn Công Trứ qua bài thơ “Tết nhà nghèo”:

Tết nhất anh ni ai nói nghèo
Nghèo mà lịch sự đố ai theo
Bánh chưng chất chật chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu
Ai Xuân, anh cũng chơi Xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều.

Ai cũng biết Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ là người ngang tàng, phóng khoáng, quan niệm sống rất lão thực. Khi làm quan đầu triều (Thượng thư bộ Binh) không kiêu, khi thất thế bị giáng xuống làm lính thú không nản. Người khí khái như thế thì nghèo… cũng phải! Nghèo, nhưng Tết đến Xuân về vẫn sắm sửa đủ lễ bộ như ai, chỉ ngặt nỗi, bánh chưng nhà này chất “chật” đến… ba chiếc, rượu thuốc nhà này ngâm “đầy” độ… nửa siêu, pháo nhà này nổ “vang” đến… ba tiếng, cây nêu nhà này cao “ngất” đến… ba gang tay!

Một Tướng công mà gặp hồi “bĩ cực” thì cũng nghèo như ai. Đã nghèo lại còn đem khoe cái nghèo kiết xác của mình, nhất là trong 3 ngày Tết! Tuy nhiên, qua khẩu khí của bài thơ, người đọc vẫn thấy vị Tướng công này ung dung, an nhiên tự tại với hoàn cảnh hiện tại của mình bằng phong thái của một bậc tao nhân mặc khách, đầy bản lĩnh, không ngại sự chê cười. Là cũng bởi Nguyễn Công Trứ tự tin rằng thiên hạ hiểu mình bị bọn nịnh thần biếm nhẽ nên mới ra nông nỗi này.

Nhỏ hơn Nguyễn Công Trứ 92 tuổi, nghĩa là sau gần một thế kỷ, cũng trong cảnh long đong của con nhà tài tử, Ông tú Thành Nam Trần Tế Xương có bài thơ “Cảm Tết” để tự trào mình một cách rất là… “sĩ diện”!:

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi, thế thì thôi, đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo!

Trong khi Nguyễn Công Trứ “khoe” một cách cụ thể (nhưng ai cũng hiểu ấy chỉ là những con số phiếm chỉ) ba chiếc bánh chưng, nửa siêu rượu thuốc, ba viên pháo nổ và cây nêu cao… ba gang tay thì Trần Tế Xương lại “nói trạng” rằng mình đâu phải nghèo, Tết nhất đến nơi rồi mà nhà cửa chưa có gì chỉ vì tiền bạc còn để trong kho chưa lĩnh để tiêu, rượu cúc đặt mua nhưng bọn bạn hàng lười không mang đến, trà ướp sen đã ướm hỏi nhưng giá còn thách cao chưa tiện lấy, bánh chưng, giò lụa đã định cả rồi nhưng chưa làm vội vì sợ ôi thiu (!). Toàn là những lý do… chính đáng cả! Và từ những lý do “chính đáng” ấy nên “Thôi, thế thì thôi, đành Tết khác” vậy.

Hai bài thơ đều xoáy vào vịnh tả cảnh nghèo mà đọc xong cứ thấy… nhẹ như lông hồng, không có gì nặng nề kiểu than nghèo kể khổ cả! Tinh thần này bạn đọc cũng bắt gặp trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Thế mới hay các bậc tao nhân luôn là tấm gương của phẩm hạnh làm người!

Ngày nay, giữa thời đại cơ chế thị trường, chắc khó có ai “dại dột” đem “khoe khoang” kiểu như thế cả! Chỉ có những người tự tin vào phẩm cách “hơn người” của mình mới dám tự trào như thế. Điều này chứng minh cho thể thơ tự trào ngày nay đã dần vắng bóng trên thi đàn.

Ngày Xuân rảnh rỗi, lần giở lại những dòng thơ tự trào của các bậc danh sĩ xưa, nhiều lúc muốn… cười ra nước mắt! Họ là những người thuộc hàng mũ cao áo dài, quyền cao chức trọng hoặc tiếng tăm lẫy lừng, vậy mà cũng có khi bần hàn… dưới cả mức thường dân! Nhưng lạ hơn nữa ở cái sự “hơn người” của các vị. Các vị hơn người vì không coi cái mặc cảm sĩ diện hão của thói thường tình là gì, cứ việc công khai cười cợt cái nghèo khó của mình, một cái nghèo… chính đáng! Có lẽ bởi các vị đã quá “chí công vô tư” khi đương chức đương quyền hoặc không chạy chọt để được này được nọ! Các vị nghèo mà “sang”, khác hẳn với kiểu giàu mà “hèn” nhan nhản đó đây.

Cái nghèo của các vị là bài học cho hậu thế ngẫm suy!

TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm