Hơn 10 năm nay, phường Thảo Điền, quận 2 trở thành một "khu phố Âu - Mỹ" sầm uất nằm ven sông Sài Gòn, ở phía đông trung tâm thành phố.
Nơi đây có hầu hết dịch vụ cao cấp dành cho người nước ngoài, từ thể thao, giải trí, quán xá, nơi mua sắm cho đến trường học quốc tế từ mầm non đến đại học.
"Phiên chợ... Liên Hiệp Quốc"
Một cô gái Indonesia bán bánh truyền thống của đất nước cô tại "phiên chợ Liên Hiệp Quốc". |
Phiên chợ Liên Hiệp Quốc là mệnh danh của một điểm tụ hội giải trí của công dân nước ngoài sống tại Thảo Điền, trên một khu đất rộng nằm ven sông Sài Gòn thuộc phường Thảo Điền, do một nhóm bạn trẻ tổ chức vào các dịp cuối tuần hoặc ngày trọng lễ.
Trong số gần 50 gian hàng ở "khu chợ", có rất nhiều quần áo và giày dép, balô, túi xách và nhiều loại hàng lưu niệm, mỹ phẩm, hương liệu... hầu hết được giới thiệu do chính chủ hàng trực tiếp làm thủ công, theo phong cách đang thịnh hành của các nước.
Tất cả sinh hoạt, mua bán diễn ra trong những tiết mục nhạc sống dễ chịu, được trình diễn bởi một "ca sĩ" là "công dân ngoại" ở Thảo Điền.
Tại phiên chợ này, cách mua bán, giải trí rất độc đáo. Vừa bước vào cổng, một cô gái mời chào đon đả: "Mua đi bạn, tất cả chúng được làm bằng tay, theo phong cách của (người) Anh và vật liệu là của Việt Nam!".
Những sản phẩm gồm vòng đeo cổ, hoa tai, cà vạt hay một số vật dụng trang sức và trang trí nhỏ xinh, chủ yếu bằng vải, da, kể cả bằng giấy...
Cô gái đó là Anny, người Anh, giáo viên một trường quốc tế tại Việt Nam đã hơn năm năm. Mấy năm nay cô chọn phiên chợ này làm nơi gặp gỡ bạn bè.
Có một gian hàng bán sôcôla của ông Marc Vanborren, người Bỉ. Những thỏi sôcôla được ông giới thiệu do chính ông sản xuất, làm từ hạt ca cao Việt Nam, trồng tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang và Bến Tre.
Trong khi đó, một chàng trai người Nga đang mời khách nếm cho được món bánh do chính tay anh làm, thông qua đó tranh thủ giới thiệu luôn những cửa hàng thức ăn Nga của anh trong thành phố.
Tiếp đến là một đôi người Indonesia vừa mời chào, vừa trình diễn cách làm món bánh bột áp chảo trên bếp. Phía trước là một anh chàng người Mỹ đang tỉ mẩn với những món nữ trang kim loại...
Tạo ấn tượng đặc biệt cho chúng tôi ở khu chợ này là cô gái bán tranh chó có nét mặt như thiên thần. Đó là Alaxka đến từ Kazakhstan. Thông điệp của cô: "Nếu một con chó tình cờ đến nhà bạn, nó sẽ mang lại sự phú quý cho bạn!".
Trông tranh chó do cô vẽ, không nhiều người tin rằng Alaxka là một họa sĩ chuyên nghiệp. Cô gái cho biết cùng bạn trai đến Việt Nam từ một năm trước, chủ yếu đi du lịch để sống hưởng thụ.
Alaxka bán những bức tranh chó do cô vẽ. |
"Khu phố... du học"
Khu vực này còn được nhiều người gọi là "khu phố du học" bởi sự tồn tại của hàng loạt trường quốc tế. Dạo một vòng trong các giờ cao điểm, dễ nhận biết những đoạn có điểm trường quốc tế bởi sự ken đặc ôtô, xe buýt chuyên chở học sinh...
Theo thống kê của UBND phường Thảo Điền, trong phường có khoảng 40 trường quốc tế các cấp, từ mầm non đến đại học. Có hơn 10 trường chương trình quốc tế, chỉ dạy bằng tiếng nước ngoài, từ tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong đó, chỉ riêng Trường Quốc tế British - Anh ngữ vừa hoàn thành cơ sở thứ 3 và cả ba cơ sở đều "to vật vã", có cả cây cầu vượt nối thông hai điểm băng ngang đường Nguyễn Văn Hưởng. Lượng học sinh và giáo viên của trường này gần 4.000 người.
Theo ông Trần Văn Nam - phó chủ tịch UBND phường Thảo Điền, có hai dạng trường quốc tế ở Thảo Điền: thứ nhất là trường chỉ dạy bằng ngoại ngữ, dành cho con em người nước ngoài, chỉ nhận học sinh có cha, mẹ mang quốc tịch nước ngoài.
Thứ hai là trường dạy song ngữ, nhận học sinh cả nước ngoài lẫn người Việt vào học.
"Chi phí học tập các trường này rất cao, có trường quốc tế ở đây mỗi năm học phí lên đến cả tỉ đồng, do vậy phần lớn thu hút con em nước ngoài hoặc giới nhà giàu từ nơi khác đến!".
Nơi ở của người giàu
Vào thập niên 1990, một số người nước ngoài làm việc ở Sài Gòn tìm đến Thảo Điền thuê nhà. Một số dự án biệt thự cao cấp, khép kín được xây dựng khi làn sóng đến thuê đông dần.
Thảo Điền có đặc điểm khí hậu rất thoáng mát bởi sông Sài Gòn bao bọc xung quanh, lại sát kề trung tâm Sài Gòn nên không chỉ người nước ngoài, giới thương gia và "nhà giàu" Sài Gòn tìm đến, một số cơ quan lãnh sự cũng chọn Thảo Điền để đặt trụ sở.
Cùng với hạ tầng, đường sá mở mang rộng rãi, nhiều khu cao ốc, căn hộ cao cấp mọc lên kèm theo rất nhiều cơ sở dịch vụ và hệ thống trường học, trung tâm thể thao, siêu thị, quán xá...
Gần như không thiếu dịch vụ dành cho người nước ngoài nào tại phường này, từ trường học các cấp, cơ sở y tế, siêu thị, khu thể thao, nhà hàng ẩm thực, nhiều khu "chẳng thèm" đề một chữ tiếng Việt nào trên bảng hiệu.
Một bạn trẻ địa phương tên Sang dẫn tôi cùng khám phá Thảo Điền, anh chỉ dẫn đâu là khu căn hộ được giới showbiz lựa chọn; đâu là biệt thự được đại gia C. sử dụng khi đang cặp đôi với diễn viên H.; dãy biệt thự kéo dài cả trăm mét nọ của một chủ nhân là đại gia bất động sản...
Nói chung, khu phố Âu - Mỹ là khu của những người giàu có. Sang còn chỉ tôi thấy rất nhiều khu vui chơi, giải trí, tụ hội của cộng đồng Âu - Mỹ sinh sống trong phường; hàng loạt quán bar - cà phê sang chảnh đủ thứ phong cách, từ dân dã mà sang trọng theo lối châu Á cho đến đài các, quý phái theo lối cổ điển phương Tây.
Hơn 5.500 người Âu - Mỹ sống ở Thảo Điền
Cũng theo thống kê của phường, tổng lượng ôtô của phụ huynh và xe buýt chuyên chở học sinh của các trường quốc tế ở phường hơn 2.100 chiếc. Điều này trở thành "gánh nặng" gây kẹt xe giữa giờ cao điểm. Chính quyền phường đã bàn với các trường khuyến khích chọn xe buýt chuyên chở học sinh, song nhiều gia đình vẫn chọn đưa đón bằng ôtô riêng nên thường xuyên gây tắc đường. |
Thái Lộc/tuoitre