Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: An toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 13-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và UBND TP. Pleiku về triển khai công tác phòng-chống dịch, thống nhất việc cho các em học sinh đến trường an toàn, theo đúng quy định.

Hiện nay, theo bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của tỉnh Gia Lai, các địa phương ở vùng xanh, học sinh học tập trung, các địa phương ở vùng vàng, cam, đỏ (vùng có nguy cơ) thì tổ chức học trực tuyến. Riêng tại TP. Pleiku, căn cứ bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của tỉnh Gia Lai đăng tải tối 12-9, TP. Pleiku có 15 xã, phường thuộc vùng có nguy cơ (đỏ, cam, vàng) và 7 xã, phường là vùng xanh. Đối chiếu Công văn số 2043/SGDĐT-VP ngày 12-9-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đã quyết định từ ngày 13 đến ngày 19-9, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn chưa đi học tập trung mà vẫn tiếp tục tổ chức học trực tuyến.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện

 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, bản đồ phân vùng dịch tễ và nghe các phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho trẻ đến trường. Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBND TP. Pleiku cũng như các địa phương còn lại cần nghiên cứu quán triệt Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng-chống dịch covid-19” với quan điểm là phòng đi trước một bước, cao hơn một bậc để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết.

Về việc đánh giá bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của tỉnh Gia Lai, ngoài các yếu tố dịch tễ cũng cần phải bổ sung các điều kiện khác, không nhất thiết phải tính theo đơn vị hành chính và phải phù hợp với điều kiện thực tế. Bản đồ phải cập nhật từng xã, huyện nhưng bản đồ của tỉnh là quyết định cuối cùng. Việc cập nhật bản đồ phải theo diễn biến dịch bệnh để từ đó có phương án đáp ứng phòng-chống dịch linh hoạt, chủ động.

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, việc quyết định chuẩn bị điều kiện để các em đến trường đã được UBND tỉnh, ngành Giáo dục và  Đào tạo chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch cụ thể từ trước và đảm bảo an toàn phòng-chống dịch chứ không phải đột xuất, bất ngờ. Hiện nay, vấn đề học trực tuyến chỉ là biện pháp tạm thời. Khi quyết định cho học sinh đi học trở lại, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đánh giá tình hình dịch hàng ngày báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch cùng cấp để báo cáo lên cấp trên theo quy định. Triển khai áp dụng triệt để Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 1467/BGDĐT-GDTC ngày 28-4-2020 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng-chống dịch Covid-19 trong trường học; đồng thời, phân công Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tham gia vào Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 cấp xã.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế tầm soát lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên tại các trường học; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 100% đối với học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Các trường học tuyên truyền phụ huynh phối hợp cùng nhà trường nhắc nhở con em chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch; sử dụng bình nước riêng, đeo khẩu trang suốt trong thời gian đến trường; không đưa con đến trường nếu con bị sốt, ho, về từ vùng dịch hoặc gia đình có người cách ly tại nhà. Sở Giáo dục và Đào tạo rút gọn nội dung, chương trình học cơ bản và trọng tâm nhất, chỉ đạo các cơ sở giáo dục không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh; thực hiện các hoạt động tại lớp; tuân thủ nguyên tắc phòng-chống dịch đối với giáo viên và học sinh, đảm bảo thực hiện 5K...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh cần phải tranh thủ thời gian vàng để các em học sinh được đến trường. Các cấp, các ngành cần có phương án linh hoạt để thay đổi ứng phó kịp thời, chủ động với các tình huống dịch bệnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị thông tin tuyên truyền của tỉnh cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu và đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng-chống dịch. Ủy ban nhân dân tỉnh luôn lắng nghe để từ đó đưa ra các giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các em học sinh đến trường với nguyên tắc tính mạng sức khỏe người dân là trên hết, phương châm “An toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Ảnh: Như Nguyện


Đối với TP. Pleiku, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu rà soát, đánh giá về bản đồ dịch tễ, tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ giáo viên nắm rõ quan điểm chỉ đạo, từ đó tuyên truyền đến phụ huynh để phối hợp thực hiện. Hiện TP. Pleiku triển khai học trực tuyến trong tuần này để tiếp tục đánh giá thận trọng và sau đó xây dựng phương án tốt hơn đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi đến trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thống kê số lượng học sinh thiếu máy tính học trực tuyến, trên cơ sở đó UBND tỉnh sẽ xây dựng chương trình và vận động các đơn vị, Mạnh Thường Quân hỗ trợ, trang bị máy tính cho học sinh trong thời gian tới để đảm bảo các em có đầy đủ phương tiện học tập, nhất là khi có tình huống cao phải dừng việc đến trường nhưng không dừng việc học. Các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, đồng thuận đưa các em đến trường an toàn theo đúng quy định. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo cần lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân, qua đó thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt, hiểu rõ vấn đề và phối hợp thực hiện tốt.

 

NHƯ NGUYỆN
 

 

Có thể bạn quan tâm