(GLO)- Mặc dù tối nay (30-11), Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 mới khai mạc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) nhưng từ sáng qua, một số hoạt động của lễ hội đã diễn ra, tạo không khí hội hè ngập tràn Phố núi.
Không gian hội hè
Theo đúng dự kiến, triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của mỹ thuật đương đại Tây Nguyên đã khai mạc tại đường Anh hùng Núp vào sáng qua (29-11). Song song với triển lãm “Xu Man-Những gì còn lại...” là triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” thu hút sự thưởng lãm của đông đảo người dân và du khách. Đối diện với khu vực triển lãm ở phía bên kia đường là khu vực cà phê đường phố và giới thiệu những sản vật địa phương.
Quang cảnh Phố núi trước ngày hội. Ảnh: ĐT |
Cũng trong sáng cùng ngày còn diễn ra triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Một số hoạt động văn hóa như trình diễn tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm cũng chính thức khai hội tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Cái mới của kỳ lễ hội lần này là không tổ chức thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm mà tôn trọng tuyệt đối sự sáng tạo của các nghệ nhân, để họ tự do trình diễn. Đặc biệt, du khách có thể trải nghiệm những công việc nghệ nhân đang làm và được chính những “báu vật nhân văn sống” này hướng dẫn. Các hoạt động này diễn ra đến hết ngày 2-12 nên đây sẽ là không gian hội hè giúp mọi người có thêm sự trải nghiệm với những ngành nghề thủ công truyền thống-một giá trị độc đáo, đầy tính nhân văn, góp phần làm nên di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khu ẩm thực phục vụ du khách dịp lễ hội. Ảnh: ĐT |
Không khí lễ hội đã mang du khách đến gần hơn với các giá trị của di sản. Có mặt ngay trong buổi sáng diễn ra các hoạt động mở đầu, đoàn du khách 17 người đến từ Hà Nội lần đầu tiên tận thấy quá trình lao động, sáng tạo của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Anh Phạm Tiến (Công ty Du lịch An Tân) cho biết: “Tôi đã thấy tượng gỗ dân gian, những vật dụng sinh hoạt hay trang phục truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên ở Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội, nhưng chứng kiến quá trình làm ra thì đây là lần đầu tiên. Những hình ảnh này rất gợi tò mò và thú vị với tôi và cả đoàn”. Anh Tiến cho biết, ngoài tìm hiểu văn hóa qua các hoạt động lễ hội, anh còn dẫn đoàn đi tham quan một số danh thắng nổi tiếng của Gia Lai trước khi lên Kon Tum, kết thúc hành trình khám phá Tây Nguyên. Như vậy, các hoạt động của lễ hội là điểm nhấn trong hành trình của đoàn du khách đến từ thủ đô. Sau khi đã khám phá vùng đất, thiên nhiên, con người của các tỉnh Tây Nguyên thì đây là những đọng lại tuyệt đẹp trong hành trình của họ. Cơ duyên này không phải đoàn khách nào khám phá đại ngàn cũng có dịp hạnh ngộ.
Rộng cửa đón khách
Tại khu vực trung tâm Quảng trường Đại Đoàn Kết, không khí tập luyện vẫn diễn ra khẩn trương để chuẩn bị cho đêm khai mạc được thành công trọn vẹn. Với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, lễ khai mạc sẽ tái hiện dòng chảy văn hóa xuyên suốt chiều dài không gian và thời gian, với sự hội tụ sắc màu văn hóa của các dân tộc bản địa 5 tỉnh Tây Nguyên. Được biết, có trên 200 phóng viên của 54 cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tác nghiệp tại Festival lần này. Qua góc nhìn đa chiều của báo chí, các giá trị của di sản cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được lan tỏa đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. |
Không khí lễ hội tràn ngập Phố núi Pleiku, đặc biệt là khu vực quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động của lễ hội. Các quán cà phê quanh khu vực này ngoài hoạt động kinh doanh còn “lên dây cót” để phục vụ du khách và bạn bè bốn phương tốt nhất, thể hiện sự thân thiện, mến khách của chủ nhà.
Du khách tham quan khu trưng bày nhạc cụ dân tộc. Ảnh: ĐT |
Nằm ngay trung tâm lễ hội, quán S-cà phê những ngày này mở cửa phục vụ tối đa không chỉ khách đến uống cà phê. Chị Lê Mai Kỳ Ly-chủ quán-cho biết, không chỉ hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố về việc phục vụ nhà vệ sinh với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”, quán còn sẵn sàng hỗ trợ du khách các nhu cầu khác như: tắm gội, sạc điện thoại, wifi miễn phí… “Chúng tôi còn quán triệt đến toàn thể nhân viên về cung cách phục vụ phải thân thiện, không để khách cảm thấy khó xử, bất tiện khi sử dụng các dịch vụ miễn phí tại đây. Ngoài ra, để tạo thiện cảm và ấn tượng với du khách ngay khi bước chân vào quán, chúng tôi càng chú trọng khâu giữ gìn vệ sinh so với ngày thường, giữ nguyên không tăng giá nước uống dù lượng khách có đông gấp mấy. Ngoài S-cà phê, các quán khác của gia đình như Hoàng Nhật (đường Nguyễn Du), An Miên (đường Nguyễn Tất Thành) hay Thủy Cốc (đường Phù Đổng) tuy xa khu vực lễ hội nhưng vẫn được quán triệt như nhau, đảm bảo khách đến sẽ cảm thấy thoải mái như ở nhà”-chị Ly cho biết.
Không chỉ có quán cà phê của chị Ly, du khách đến Phố núi dịp này sẽ cảm nhận sự ấm áp, thân thiện, hiếu khách của người dân thông qua những biểu tượng mặt cười màu xanh dán khắp mọi nơi. Với mục tiêu ban đầu vận động 500 nhà vệ sinh phục vụ du khách, chính quyền TP. Pleiku đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân với số lượng tham gia tăng lên hơn 900 nhà vệ sinh. Mặt cười ấy cũng chính là biểu tượng tình cảm của người dân Phố núi chào đón bạn bè. Biểu tượng đó có nghĩa rằng, chúng tôi chào đón bạn, nơi này phục vụ nhà vệ sinh và bạn sẽ thoải mái như ở nhà.
Hoàng Ngọc