Phòng-chống HIV/AIDS: Còn lắm gian nan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù công tác truyền thông phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, đẩy mạnh nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn thậm chí ngay trong gia đình, người bệnh cũng bị chính người thân ruồng bỏ. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân HIV/AIDS tại Gia Lai không ngừng tăng lên trong những năm gần đây khiến công tác phòng-chống HIV/AIDS đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Người nhiễm HIV/AIDS đang ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê của Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến cuối tháng 10-2015, Gia Lai đã ghi nhận tổng cộng 1.278 người nhiễm HIV; trong đó có 441 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 260 trường hợp tử vong do AIDS. Theo Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS thì số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh ngày càng trẻ hóa về độ tuổi (trong đó, 73,3% người mắc bệnh ở độ tuổi từ 20 đến 39). Nhóm đối tượng nhiễm bệnh phần lớn là gái mại dâm, nghiện chích ma túy; một số ít thanh niên hư hỏng là người dân tộc thiểu số và hơn chục trường hợp đối tượng nhiễm HIV là trẻ em do mẹ truyền sang con…

 

Tư vấn cho người nhiễm HIV.

Theo bác sĩ Bá Tường Đăng Phong-Giám đốc Trung tâm Phòng- chống HIV/AIDS thì công tác phòng-chống HIV/AIDS tại Gia Lai hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. Việc thành lập nhóm giáo dục đồng đẳng gặp nhiều khó khăn nên khó tiếp cận các đối tượng nghiện chích ma túy, gái mại dâm để tư vấn giảm nguy cơ. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV và là rào cản cho việc tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV sớm để gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị. Ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm nên chỉ tập trung vào một số hoạt động chính…

Ngoài ra, cán bộ chuyên trách HIV tuyến huyện, xã thường thay đổi và thiếu kinh nghiệm là rào cản cho việc tiếp cận tư vấn đối tượng nguy cơ cao, quản lý chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình điều trị và can thiệp giảm tác hại ở cộng đồng dân cư.

Bao giờ hết kỳ thị, phân biệt người nhiễm HIV/AIDS?

Phòng-chống HIV/AIDS có đạt hiệu quả cao hay không thì sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành và người dân đóng góp rất lớn. Trong đó, người dân cần nâng cao nhận thức, đặc biệt không nên kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS; phối hợp với địa phương trong việc chăm sóc và quản lý người bệnh, đồng thời trang bị các kiến thức để phòng-chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Nói thì dễ, nhưng trên thực tế việc kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Trong một lần nói chuyện về vấn đề phòng-chống HIV/AIDS, một cán bộ Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động Xã hội tỉnh Gia Lai nay đã về hưu chia sẻ: “Nhiều năm làm công tác quản lý, giáo dục đối với những người nghiện ma túy, mại dâm, tôi cũng từng gặp trường hợp học viên là người nhiễm HIV. Việc này nếu không nói ra thì khi ở chung với nhau không có sự phòng ngừa thì khả năng những người ở cùng bị lây bệnh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên khi nói ra thì chắc chắn chẳng ai dám ở chung vì sợ lây bệnh khiến chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Tôi còn nhớ có một trường hợp bệnh nhân chết vì AIDS nhưng khi điện thoại cho gia đình lên để đưa về mai táng thì người nhà thoái thác trách nhiệm…”.

Sự kỳ thị của cộng đồng xã hội khiến người nhiễm HIV/AIDS càng cảm thấy mặc cảm, tự ti. Nhiều trường hợp giấu bệnh rồi không biết cách phòng tránh bệnh dẫn đến việc lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình. Chưa kể một số trường hợp bi quan, chán nản dẫn đến những hành động tiêu cực… “Có thể kể đến trường hợp đau lòng tại huyện Phú Thiện khi có đến 3 người trong cùng gia đình đều nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Nguyên nhân của việc mắc bệnh này là do người chồng nghiện ma túy và nhiễm HIV. Do không biết bệnh hoặc cũng có thể sợ bị kỳ thị, xa lánh nên anh này không đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời dẫn đến việc lây truyền bệnh cho vợ và con của mình. Đến khi bệnh tình nặng, sức khỏe suy giảm cả nhà đi khám, xét nghiệm mới phát hiện đã nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn AIDS… Trong trường hợp này, nếu người chồng có kiến thức, có sự chủ động khám phát hiện bệnh kịp thời và có sự phòng ngừa thì có lẽ đã có một kết cục khác…”-một cán bộ chuyên trách HIV/AIDS tuyến tỉnh chia sẻ.

Chính sự kỳ thị, phân biệt đối với bệnh nhân HIV/AIDS trong cộng đồng cũng dẫn đến việc tiếp cận bệnh nhân HIV/AIDS cũng gặp nhiều khó khăn do tâm lý tự ti, mặc cảm, sợ người khác biết bệnh… Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Xuân Long-cán bộ chuyên trách HIV/AIDS TP. Pleiku cho biết: Nhiều trường hợp có địa chỉ cụ thể nhưng khi cán bộ y tế tìm đến thì họ từ chối gặp mặc dù hàng tháng bệnh nhân vẫn đều đặn lên tỉnh lấy thuốc. Việc tiếp cận khó nên việc quản lý bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn thành phố cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chúng tôi chỉ có thể tiếp cận, trao đổi qua điện thoại…

Phòng-chống HIV/AIDS sẽ hiệu quả hơn nếu công tác truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường và cách thức truyền thông có lẽ cũng cần phải thay đổi. Từng có một thời, nhắc đến HIV/AIDS người ta nghĩ ngay đến cụm từ như “căn bệnh thế kỷ”, rồi thì hình ảnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của căn bệnh này khiến nhiều người sợ hãi… Có lẽ vì thế mà hiệu quả tuyên truyền không như mong muốn mà đôi khi lại có tác dụng ngược; sự kỳ thị, phân biệt đối với người bệnh cũng vì thế mà không giảm. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, cần có một chiến lược tuyên truyền phù hợp để góp phần cho công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian đến.        

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm