Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phong trào tự quản đường biên và an ninh trật tự thôn, làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã phối hợp với xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) duy trì và phát huy hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, làng.

Đại diện các thôn, làng ký cam kết tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Ảnh: P.D

Xã Ia Dom có đường biên giới dài 17,6 km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, trong đó có 6,2 km đường biên giới trên sông. Xã có 8 thôn, làng với 1.705 hộ/6.995 nhân khẩu, trong đó dân tộc Kinh là 1.133 hộ/4.338 nhân khẩu; dân tộc Jrai 482 hộ/2.217 nhân khẩu... Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế vùng khó khăn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát… đời sống của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện. Đặc biệt, nhân dân ở các thôn, làng đã không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và trật tự an ninh thôn, làng. Già làng Siu Lon (làng Mook Trê) chia sẻ: “Trong các cuộc họp, tôi luôn tuyên truyền, vận động bà con phải tập trung làm nương rẫy, chăm sóc cây trồng, vật nuôi để xóa đói giảm nghèo; nhắc nhở con cháu luôn đoàn kết, yêu thương nhau, không được vượt biên, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biên giới; khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật…”.  

Hiện trên địa bàn xã đang duy trì 3 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới do các hộ có đất sản xuất giáp biên giới tham gia và 8 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hàng tháng, thành viên các tổ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát đồng thời tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các hiệp định, quy chế biên giới. Bên cạnh đó, các tổ còn vận động nhân dân tích cực đấu tranh ngăn chặn hoạt động vượt biên, tuyên truyền đạo trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội ở khu vực biên giới của xã.

Nói về hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và trật tự thôn, làng, Thượng tá Lê Thuần Chất-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho rằng, thông qua phong trào, quần chúng nhân dân đã phát hiện và thông tin kịp thời cho địa phương và Đồn xử lý, ngăn chặn các vụ việc xảy ra trên biên giới. Phong trào cũng đã góp phần đẩy lùi hoạt động xâm canh, xâm cư; thực hiện tốt các hiệp định, quy chế biên giới, thúc đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia.

Ngoài ra, việc duy trì có hiệu quả mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa làng Mook Đen (xã Ia Dom) với làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) từ năm  2014 đến nay đã thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới nói riêng và nhân dân 2 tỉnh Gia Lai-Ratanakiri nói chung. Theo già Rơ Châm Tích-người có uy tín ở làng Mook Đen 1, cuộc sống của người dân đã giờ có nhiều thay đổi, nhà nào cũng có xe máy, ti vi…, vì vậy, bà con luôn nhắc nhở nhau phải có trách nhiệm với làng, với biên giới, không phát nương, làm rẫy xâm phạm vào đường biên giới; khi phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo ngay với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng để xử lý; khi qua lại thăm thân phải xin giấy.

Để tiếp tục vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, mới đây, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã phối hợp với UBND xã Ia Dom tổ chức phát động và ký cam kết phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, quần chúng nhân dân ở các thôn, làng đã cam kết tích cực tham gia các hoạt động: Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, dấu hiệu đường biên giới quốc gia trên đất liền, mốc quốc giới; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; đấu tranh phòng-chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của Tổ quốc; giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng...

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm