(GLO)- Nhiều chính sách dân tộc được triển khai sâu rộng tại huyện Phú Thiện, Gia Lai trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Ông Ksor Dương-Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện-cho biết: Toàn huyện có 10 xã, thị trấn, trong đó có 2 xã khu vực III; 24 làng đặc biệt khó khăn; dân số trên 82.000 người, đồng bào DTTS chiếm trên 61%. Kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đa phần đời sống của người dân còn khó khăn. Trước tình hình đó, những năm qua, huyện đã cố gắng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS; triển khai các mô hình canh tác mới như: cánh đồng lớn trên cây lúa, cây mía, rau màu; nhất là Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nhiều hộ dân ở xã Chư A Thai đã chuyển đổi đất trồng mì trước đây sang trồng điều ghép. Ảnh: P.N |
Đơn cử như xã Chrôh Pơnan, thông qua hợp tác xã nông nghiệp, người dân đã chuyển đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ bằng cách tham gia mô hình cánh đồng lúa lớn một giống. Trong vụ Đông Xuân 2018-2019, cánh đồng lúa lớn một giống diện tích hơn 150 ha đã được người dân triển khai thực hiện, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao; trong đó có gần 90 ha của 270 hộ đồng bào DTTS tham gia mô hình này. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân nơi đây, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông Ksor Kuing-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chrôh Pơnan-chia sẻ: “Theo chủ trương của huyện, xã đã triển khai cánh đồng lúa lớn. Riêng gia đình tôi tham gia 6 sào. Đến nay thì thấy người dân thu nhập ổn định hơn so với lúc chưa tham gia mô hình này”.
Đáng chú ý, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt kết quả quan trọng. Tính đến tháng 12-2018, toàn huyện đã có 3/9 xã đạt chuẩn NTM gồm: Ayun Hạ, Ia Sol và Ia Ake. Dự kiến, 2 xã Ia Peng và Ia Piar sẽ về đích NTM trong năm 2019. Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội tại 4 làng căn cứ cách mạng của xã Chư A Thai giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp trong xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS. Theo ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, từ khi có chủ trương xây dựng làng NTM, sắp xếp lại nhà ở gắn với phát triển kinh tế vườn thì nhận thức của người dân tại 4 làng: Pông, Pêng, Trớ và Hek được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đang dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, sản xuất, chủ động phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, chung sức xây dựng ngôi làng mới ngày càng no ấm.
Một góc làng Hek (xã Chư A Thai) ngày nay. Ảnh: Ngọc Sang |
Bên cạnh đó, việc tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc cũng được huyện Phú Thiện quan tâm đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: tổ chức nghi lễ chuyển gươm và phát động bảo tồn giá trị Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi; lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui; mở lớp dạy cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm... Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS có nhiều tiến bộ. Đến nay, 10 trạm y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ, việc khám-chữa bệnh cũng như chế độ bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS được thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện mô hình trường học bán trú ở các thôn, làng đồng bào DTTS đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Nhờ đó, việc duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo; ý thức học tập của học sinh DTTS được nâng lên đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Ông Ksor Dương-Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ đặc biệt khó khăn; chi trả, giải ngân các nguồn vốn được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời. Đối với các xã vùng khó khăn, huyện sẽ cử cán bộ chuyên môn đến tận cơ sở, từng gia đình giới thiệu, tư vấn hỗ trợ về các chính sách đối với người DTTS”. |
PHẠM NGỌC