Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Phú Thiện phát huy vai trò người uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, đội ngũ những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã phát huy vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và các đoàn thể. 
Vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới
Huyện Phú Thiện hiện có 64 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, đội ngũ này đã cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tích cực vận động bà con hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình cộng đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Là người uy tín ở buôn Mí Hoan (xã Ia Hiao), ông Ksor Khit đã vận động người dân đóng góp 42,5 triệu đồng và hơn 200 ngày công làm 550 m đường bê tông nông thôn. Tương tự, ông Ksor Ry (buôn Sô Ma Lơng, xã Ia Peng) cũng đã vận động 14 hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, 133 hộ xây nhà tiêu hợp vệ sinh và vận động người dân hiến 250 m đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Hay ông Siu Thi (Plei Tel B, xã Ia Sol) vận động nhân dân đóng góp hơn 10 triệu đồng để lắp hệ thống điện thắp sáng đường làng…
Ông Ksor Khít (bìa phải) cùng cán bộ xã xã Ia Hiao đến vận động các hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ảnh: Vũ Chi
Ông Ksor Khít (bìa phải) cùng cán bộ xã Ia Hiao đến vận động các hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ảnh: Vũ Chi
Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông trải dài đến cuối làng, ông Khít tâm sự: “Cách đây vài tháng thì còn là đường đất. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa lầy lội lắm, quần cứ phải xắn đến đầu gối”. Ông nở nụ cười cho biết, đầu năm 2020, ông đã gương mẫu đi đầu hiến đất làm đường. Một loạt cây trồng 7-8 năm tuổi ở trong vườn nhà đã được ông chặt bỏ, cắm mốc lộ giới để làm đường.
Rồi ông đến từng nhà, phân tích cho bà con hiểu lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là cho con cháu thuận lợi đến trường. Nhà nào có thì đóng góp luôn, nhà nào khó khăn thì đóng góp nhiều lần. Để đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm chi phí, ông huy động mọi người đóng góp ngày công. “Bà con làm 1 công, mình làm 2 công. Như vậy dân làng mới nghe và làm theo”-ông Khít chia sẻ.
Từ khi có đường bê tông, việc đi lại thuận tiện, xe cộ chạy bon bon, trẻ em vui vẻ chơi đùa, buôn làng khởi sắc. Anh Ksor Ran cho biết: “Trước đây, chính quyền địa phương cũng vận động bà con đóng góp làm đường nhưng mình nghèo, không có kinh phí nên còn chần chừ. Sau được già Khít động viên, tạo điều kiện cho đóng dần, lại được ông phân tích lợi ích của việc làm đường nên mình nghe theo. Giờ cả buôn có đường đẹp rồi, ai cũng phấn khởi”.
Trung tâm đoàn kết buôn làng
Song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ người uy tín ở Phú Thiện còn phối hợp với chính quyền cơ sở hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng, gia đình, hàng xóm… góp phần giữ đoàn kết buôn làng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Từ đầu năm đến nay, ông Siu Lơm (buôn Sô Ma Lơng A, xã Chrôh Pơnan) đã hòa giải thành công 5 vụ mâu thuẫn trong buôn. Theo ông, các vụ việc gây mâu thuẫn không phải vấn đề quá lớn, nhưng do nhận thức của bà con còn hạn chế, thêm vào đó do “giận quá mất khôn” nên xảy ra xung đột. Vì vậy, trước mỗi vụ việc, ông đều dành thời gian lắng nghe tâm tư của người trong cuộc và hàng xóm xung quanh. Sau khi nắm được bản chất vấn đề, ông gặp gỡ các bên phân tích để mọi người nhận ra và cùng rút kinh nghiệm, hàn gắn mối bất hòa.
Nhờ vận động được sự đóng góp của nhân dân, các tuyến đường dọc buôn Mi Hoan đã được bê tông hóa sạch sẽ. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ vận động được sự đóng góp của nhân dân, các tuyến đường dọc buôn Mí Hoan (xã Ia Hiao) đã được bê tông hóa sạch sẽ. Ảnh: Vũ Chi
Tiêu biểu như vợ chồng chị Rcom H’Cha và anh Siu Lim. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cả hai đều đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Anh Siu Lim thường nhậu nhẹt quá đà nên vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, đến mức chị H’Cha đuổi anh ra khỏi nhà và viết đơn xin ly hôn.
Biết chuyện, ông Lơm cùng Ban nhân dân thôn xuống nhà thăm hỏi, trò chuyện trực tiếp với hai vợ chồng, phân tích giúp họ thấy được đúng-sai. “Nếu cha mẹ bỏ nhau, con cái là những người thiệt thòi nhất, để lại tổn thương tâm lý không bao giờ lành được, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con cái sau này. Vợ chồng sống với nhau vì cái nghĩa, cái tình, chín bỏ làm mười thì gia đình yên ấm”-ông Siu Lơm nói.
Nhờ cách phân tích đơn giản, gần gũi, trúng tâm lý của những bậc làm cha, làm mẹ, ông Siu Lơm đã giúp gia đình chị H’Cha cũng như nhiều gia đình khác đoàn tụ trở lại. Nhiều năm liền, buôn không có đơn thư khiếu nại lên cấp trên.
Anh Lim chia sẻ: “Nhờ già Lơm chỉ bảo, vợ chồng mình hiểu nhau hơn, mình hiểu ra cái sai của bản thân mà từ bỏ rượu chè. Nếu không có già hòa giải, chắc giờ này vợ chồng mình đã mỗi đứa một nơi. Mình biết ơn già Lơm nhiều lắm!”.
Bà Trần Thị Lệ Hằng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện-cho biết: Nhằm phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các ban, ngành của huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương để người uy tín nắm rõ. Bên cạnh đó, phát hiện, nêu gương, khen thưởng người uy tín tiêu biểu nhằm tạo động lực để họ phát huy vai trò trong đời sống xã hội địa phương.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm