(GLO)- Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai có hiệu quả phong trào tiết kiệm “Mỗi tháng 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong hội viên và “Mỗi tuần 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong cán bộ Hội. Mức đóng góp tuy nhỏ nhưng đã tạo thêm động lực giúp hội viên nông dân nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Xã Ia Hiao có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện phong trào “Mỗi tháng 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong hội viên nông dân, “Mỗi tuần 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong cán bộ Hội Nông dân và hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, vừa qua, Hội Nông dân xã Ia Hiao đã ra mắt mô hình “Nông dân nuôi heo đất”. Tại buổi lễ, Hội Nông dân xã đã tặng 20 con heo đất kèm theo 20.000 đồng trong mỗi con heo cho 9 chi hội nông dân, 10 hội viên Chi hội buôn Chư Knông tham gia mô hình và 1 con heo do Ban Chấp hành Hội Nông dân xã nuôi để giúp đỡ 1 hội viên buôn Mi Hoan thoát nghèo năm 2022. Mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên nông dân. Riêng con heo đất của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã ngày đầu tiên phát động đã nhận được hơn 1 triệu đồng ủng hộ.
Theo bà Trần Thị Phương-Chủ tịch Hội Nông dân xã, mô hình “Nông dân nuôi heo đất” mục đích giúp bà con biết tiết kiệm trong chi tiêu. Tiết kiệm số tiền lớn thì khó nhưng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng tiết kiệm 1.000 đồng thì bất kỳ hội viên nào cũng có thể làm được. “Tích tiểu thành đại”, cuối năm các chi hội sẽ có một khoản kinh phí để hỗ trợ cây, con giống giúp hội viên nghèo. Bản thân người nghèo khi nuôi heo đất cũng thể hiện tinh thần tự lực, nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với các nguồn lực khác, mỗi chi hội phấn đấu giúp 1 hội viên thoát nghèo trong năm 2022.
Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Ia Ake quyên góp mỗi tuần 1.000 đồng giúp hội viên nghèo. Ảnh: Nguyên Hương |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hiao chia sẻ: “Trước khi triển khai phong trào nuôi heo đất tiết kiệm 1.000 đồng, Hội Nông dân xã đã ra mắt mô hình “Ngân hàng dê”, huy động sự chung tay đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương để hỗ trợ dê giống sinh sản giúp hộ nghèo có thêm sinh kế cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để người dân thoát nghèo bền vững, yếu tố nội lực đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi hộ nghèo có sự chuyển biến trong nhận thức, tự thay đổi nếp nghĩ cách làm thì các chương trình hỗ trợ mới phát huy hiệu quả. Hy vọng cùng với mô hình nuôi heo đất tiết kiệm 1.000 đồng, hội viên nông dân trong toàn xã sẽ chung tay cùng chính quyền địa phương xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện chủ đề “Năm hội viên”, trên tinh thần “tiết kiệm bản thân để dành phần cho hội viên khó”, đầu năm 2022, Hội Nông dân xã Ia Ake triển khai phong trào “Mỗi tháng 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong hội viên, “Mỗi tuần 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong cán bộ Hội. Theo bà Phạm Thị Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã, phong trào thể hiện tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên, qua đó, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. “Hiện tại Hội còn 28 hội viên nghèo, thông qua phong trào này, cuối năm chúng tôi sẽ tổng hợp nguồn quỹ đóng góp được để giúp đỡ hội viên khó khăn. Góp gió thành bão, 1 chi hội có thể không nhiều nhưng tất cả các chi hội cùng tham gia thì sẽ có một khoản kinh phí tương đối. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Hội sẽ tổ chức bình xét hội viên khó khăn để có hình thức giúp đỡ phù hợp, giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake thông tin thêm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-cho biết: Nhằm chung tay giúp hội viên nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai phong trào “Mỗi tháng 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong hội viên, “Mỗi tuần 1.000 đồng vì hội viên nghèo” trong cán bộ Hội. Bước đầu, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp Hội và hội viên nông dân. Phong trào tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp hội viên từng bước hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo. Ia Ake và Ia Hiao là 2 xã đầu tiên triển khai phong trào này. Hội Nông dân huyện, xã thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả phong trào để từ đó nhân rộng ra toàn huyện trong thời gian tới.
NGUYÊN HƯƠNG