Pleiku thành phố trên đỉnh Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thành phố Pleiku ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế bằng sự năng động, nét văn hóa-lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Pleiku còn là thành phố trên đỉnh Trường Sơn với nhiều điểm phân thủy đưa con nước trôi về tứ hướng mỗi mùa mưa đến.
Pleiku con nước về đâu?
Pleiku xưa kia là một trong những trung tâm hoạt động của núi lửa, thành tạo của lớp phún xuất bazan trong “đệ tứ đại”, cách đây khoảng trên 1 triệu năm. Độ cao trung bình của thành phố vào khoảng 700-800 m so với mặt nước biển, cao hơn hẳn độ cao trung bình của toàn cao nguyên Pleiku. Địa hình thành phố dạng đồi lượn sóng với độ dốc phổ biến dưới 20 độ, thấp dần về hai phía Tây Bắc và Đông-Đông Nam. Đây là nơi bắt nguồn nhiều suối nhánh thuộc các hệ suối lớn xung quanh thành phố. 
Cụ thể, phía Tây Bắc có các suối nhánh thuộc hệ thống suối Ia Rơnil; phía Đông-Đông Nam có hệ thống suối Ia Krôm (Đak Pơtơng); còn phía Tây Nam là hệ thống suối Ia Púch. Suối Ia Púch bắt nguồn từ phía Tây chân núi Hàm Rồng chảy dọc theo Bắc quốc lộ 19 về hướng Tây, làm ranh giới giữa xã Gào (TP. Pleiku) và xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ngoài ra, đường phân lưu chính giữa lưu vực sông Mê Kông và hệ thống sông Ba, đoạn qua thành phố nằm dọc theo hướng Bắc-Nam và gần trùng với quốc lộ 14. Thành phố Pleiku còn có suối Hội Phú chảy qua. Đây cũng là nơi tiếp nhận nguồn nước mưa, nước thải chính của thành phố. Suối có lưu lượng nước lớn nhất từ tháng 8-9 và thấp nhất từ tháng 3-5. Suối Hội Phú có lượng nước ổn định trong năm (trung bình 0,98 m3/s), hầu như không bị khô hạn.
Một đoạn suối Hội Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Tấn Thi
Một đoạn suối Hội Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Tấn Thi
Là người từng công tác lâu năm trong ngành điện tại Gia Lai nên ông Nguyễn Quang Hiền (tổ 3, phường Yên Đổ) cũng ít nhiều nắm được những dòng chảy ở Pleiku. Ông thông tin: “Từ năm 1920 trở đi, người Pháp phát hiện có rất nhiều nguồn nước từ Pleiku chuyển xuống các vùng lân cận thông qua hệ thống các suối như: Ia Rơnil, Ia Krôm, Ia Púch; kể cả là đầu nguồn của thác Phú Cường (huyện Chư Sê) và thác Ba (huyện Đak Đoa). Khi hình thành đồn điền chè Bàu Cạn, họ cũng đã ngăn đập 2 con suối lớn là Ia Púch và Ia Mua để xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở cao nguyên còn tồn tại đến ngày nay”.
Nằm trong lòng thành phố là hồ Ia Kring với diện tích 12,3 ha thuộc Công viên Diên Hồng. Đầu nguồn của hồ này vốn là giọt nước của làng đồng bào Jrai, còn cuối nguồn, nước chảy vào suối Hội Phú. Cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Đông Bắc chính là Biển Hồ. Đây là hồ nước tự nhiên, được hình thành do địa hình âm của miệng núi lửa cũ đã tắt hàng triệu năm. Biển Hồ có diện tích mặt nước rộng 228 ha, sâu khoảng 14-15 m. Đặc biệt, lượng nước hồ thay đổi không nhiều giữa mùa khô và mùa mưa, chênh lệch nhau rất ít, bởi nước ngầm trong lòng đất xung quanh cung cấp cho Biển Hồ khá lớn. 
Hồ Ia Kring nằm trong khuôn viên công viên Diên Hồng. Ảnh: Tấn Thi
Hồ Ia Kring nằm trong khuôn viên công viên Diên Hồng. Ảnh: Tấn Thi
Ngoài ra, phía Đông thành phố còn có hồ Trà Đa rộng 40 ha, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng lúa và cây công nghiệp xung quanh. Phía Tây là đồi 37 Pháo binh (núi Đá), có hồ Ia Pe với diện tích khiêm tốn, tọa lạc trên địa bàn phường Diên Hồng-điểm nối với huyện Ia Grai. Mỗi mùa mưa đến, những mạch nước len lỏi qua vách đá chảy xuống hồ khiến lượng nước dâng đầy. Vào mùa khô, mặt nước hồ cạn để trơ những mảng rong xanh ngả đen bám víu vào thành đá. Gắn bó với con nước khu vực này hơn 50 năm, ông Tô Minh Phương (tổ 6, phường Diên Hồng) cho hay: “Trước năm 1968, nơi đây có 1 con suối tên là Ba Vòi. Người dân bản địa sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt và sản xuất. Sau ngày giải phóng, dân cư đến cư ngụ đông hơn, họ khai hoang làm ruộng nên đã lấp đi con suối và hình thành nên hồ Ia Pe. Hiện nay, nước chảy từ hồ này vẫn phục vụ cho việc canh tác cà phê, lúa… của bà con quanh vùng”.
Ngoài các hồ nước tự nhiên và nhân tạo, phố núi Pleiku còn có nhiều thung lũng lòng chảo-là nơi con nước tìm về mỗi mùa mưa đến. Điển hình như: thung lũng Plei Ốp, Thiên Thanh (phường Hoa Lư), Ia Pang (xã Ia Kênh), cánh đồng Lom (phường Thắng Lợi), Ia Lang (phường Hội Phú)… Với đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, người dân địa phương đã tận dụng triệt để khu vực này để sản xuất lúa nước hay lập vườn, trang trại xung quanh các triền thung lũng, tạo cho thành phố những mảng xanh yên ả, trong lành.
Hành trình của nước
Theo các nhà chuyên môn, những con nước ở Pleiku phong phú, đa dạng là thế, song điều thú vị không dừng lại ở đó. Chính những điểm phân lưu, phân thủy khiến dòng chảy của nước xuôi về tứ hướng mỗi khi trời đổ mưa mới là điều đặc biệt ở Pleiku mà hiếm thành phố nào có được. Đây hứa hẹn sẽ là điểm nhấn thu hút khi du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Điểm phân thủy đầu tiên có thể kể đến là đồi 37 Pháo binh. Khi trời đổ mưa lớn, từ đỉnh đồi này, dòng nước được chia thành 2 hướng rõ rệt. Hướng phía Đông của đồi sẽ chảy vào hồ Ia Pe, theo suối Ia Rơnil đến cầu Công Viên (đường Phan Đình Phùng), xuôi dòng về cầu số 3 (đường Phạm Văn Đồng) và hợp thủy vào suối Trà Đa. Hướng ngược lại chảy vào hệ thống suối Ia Púch rồi đổ về sông Sêrêpok. Ngoài ra, đỉnh Hàm Rồng với độ cao trên 1.000 m cũng trở thành điểm phân lưu cho những dòng chảy. Phía Tây núi Hàm Rồng, nước sẽ hòa vào hệ thống suối Ia Púch; phía Nam sẽ chảy qua địa phận các huyện Chư Sê, Phú Thiện để đổ về sông Ayun và ra sông Ba. 
Đồi 37 pháo binh (Núi Đá) là 1 trong những điểm phân thủy ở Phố núi. Ảnh: Tấn Thi
Đồi 37 pháo binh (núi Đá) là 1 trong những điểm phân thủy ở Phố núi. Ảnh: Tấn Thi
Cách đó không xa, tuyến đường Trường Sa (đoạn thuộc địa phận xã Diên Phú) được xem là 1 trục phân thủy. Bởi lẽ, các nhánh suối từ 2 thung lũng đối diện lại không đổ về cùng hướng, dù rằng chỉ cách nhau 1 con đường. Nước ở phía Tây chảy vào hệ thống suối Ia Púch; còn thung lũng phía Đông lại chính là thượng nguồn của suối Hội Phú chảy xuyên qua trung tâm thành phố, hợp lưu vào suối Trà Đa. Ngay cả tuyến đường Trường Chinh, Lê Duẩn cũng trở thành những trục phân thủy, khi mà nước ở phía Bắc đổ về suối Hội Phú còn phía Nam lại hợp dòng về suối Ia Rơdung (xã An Phú). Suối này tiếp tục uốn lượn qua cầu An Mỹ theo hướng Nam-Bắc, cuối cùng hợp thủy với suối Trà Đa đổ vào thác Ba (huyện Đak Đoa). Từ đây, con nước lại len lỏi qua các xã phía Bắc của huyện Đak Đoa rồi hợp thủy vào hồ Đak Krong; sau đó, tiếp tục ngược dòng về phía Bắc qua xã Hà Tây (huyện Chư Păh) rồi hòa vào sông Đak Bla (tỉnh Kon Tum). 
Thêm một điểm phân thủy nữa ở Pleiku chính là khu vực Biển Hồ. Quan sát qua phương tiện flycam, không khó để nhận thấy sự phân dòng của những nhánh suối nằm bên bờ phía Nam Biển Hồ. Một số hợp thủy vào Biển Hồ sẽ xuôi về phía Tây lên địa phận huyện Ia Grai, chảy về suối Ia Púch vào sông Sêrêpok. Một số khác trôi về hướng Đông Bắc xuống các xã Hà Bầu, Kon Gang, Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa), hợp lưu với các suối khác theo hướng Bắc về sông Đak Bla.
Khu vực Biển Hồ cũng là nơi phân lưu, phân thủy những dòng chảy ở Phố núi. Ảnh: Tấn Thi
Khu vực Biển Hồ cũng là nơi phân lưu, phân thủy những dòng chảy ở Pleiku. Ảnh: Tấn Thi
Ông Nguyễn Trung Phát-Trưởng phòng Điều tra (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung) phân tích: Trên địa bàn TP. Pleiku có các nhánh suối chính xuất phát từ những đỉnh núi, đồi cao với hướng dòng chảy chủ yếu là Tây Nam-Đông Bắc và Đông Nam. Riêng suối Hội Phú chảy từ trung tâm thành phố sẽ nhập với nhánh suối Ia Rơnil từ hướng cầu số 3 (đường Phạm Văn Đồng) và Ia Rơdung từ xã An Phú hợp lưu chảy ra suối Ia Krôm. Vì có đỉnh núi cao Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông ngăn dòng chảy nên suối Ia Krôm sẽ tiếp tục hợp lưu với các sông, suối khác chảy về hướng Bắc, đổ vào sông Đak Bla rồi hòa vào sông Sê San. Với việc nước đổ về tứ hướng, có thể nói, Pleiku là thành phố trên đỉnh Trường Sơn.
Thông tin này có lẽ khá mới mẻ đối với du khách, thậm chí là cả những người sinh sống lâu năm ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Lương (tổ 1, phường Thống Nhất) chia sẻ: “Khi biết chi tiết này, tôi khá bất ngờ. Từ trước đến nay, tôi không để ý nhiều đến hướng chảy của các con nước, càng không nghĩ rằng, nước mưa ở đây lại có thể chảy ngược về thượng nguồn Kon Tum”. Ông Hồ Bình (du khách đến từ thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bày tỏ niềm thích thú: “Tôi thấy rất hay và thú vị. Đây chắc hẳn sẽ là điểm hấp dẫn khiến du khách muốn tìm đến với Pleiku nhiều hơn nữa”.
Ông Nguyễn Trung Phát-Trưởng phòng Điều tra, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Trung (giữa) phân tích các hướng chảy của nước ở Phố núi Pleiku qua bản đồ. Ảnh: Tấn Thi
Ông Nguyễn Trung Phát-Trưởng phòng Điều tra, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (giữa) phân tích các hướng chảy của nước ở Phố núi Pleiku qua bản đồ. Ảnh: Tấn Thi
Những năm gần đây, du lịch Phố núi đã có nhiều khởi sắc, nhất là du lịch sinh thái gắn liền với hệ thống hồ, đập và các dòng suối trên địa bàn. Thành phố cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku Nguyễn Xuân Hà cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư các hạng mục, công trình phát triển du lịch; đồng thời, quảng bá hình ảnh, con người Pleiku đến với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, công trình suối Hội Phú đang dần hoàn thiện, hy vọng đây sẽ là điểm đến hút khách trong tương lai.
Dĩ nhiên, việc Pleiku là thành phố trên đỉnh Trường Sơn với những con nước trôi về tứ hướng cũng sẽ trở thành một điểm nhấn mới mẻ đầy thú vị trên hành trình thúc đẩy du lịch Phố núi phát triển, bên cạnh bản sắc văn hóa-lịch sử của một đô thị trẻ mang đậm dấu ấn ở khu vực Bắc Tây Nguyên.
HỒNG THI - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm