(GLO)- Trong một thời gian dài, lâm tặc đã đục khoét những cánh rừng già tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai. Trong khi các cơ quan chức năng không hề hay biết, thì trên các sườn núi, những gốc cây to bản trơ trụi vẫn đang “rỉ máu”…
Thâm nhập điểm nóng
Lán trại giữa rừng của lâm tặc. Ảnh: Văn Ngọc |
Xã Lơ Pang từ lâu vốn là một điểm nóng của tình trạng vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng. Chẳng thế mà tổ công tác 12 của huyện chuyên kiểm tra, truy quét, phát hiện để ngăn chặn các hoạt động phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… lại đặc biệt ưu tiên đến Lơ Pang cùng với 3 xã khác là Ayun, Kon Chiêng và Hà Ra. Vừa qua, P.V Báo Gia Lai tiếp tục nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân về việc rộ lên tình trạng phá rừng tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang nên quyết định “mục sở thị” điểm nóng mang tên Lơ Pang này.
Sáng 6-7, chúng tôi bắt đầu từ tỉnh lộ 666 qua UBND xã Lơ Pang, rẽ vào con đường đất, những ngọn núi, quả đồi nham nhở đã hiện ra. Từng mảng đồi trọc được phủ bởi màu xanh của mì, bời lời đã xâm lấn màu xanh của những cánh rừng. Rừng bị đẩy lùi lên đỉnh núi, đẩy xuống những sườn núi có địa hình cheo leo hiểm trở, đến nơi mà người dân chưa thể canh tác được. Vượt hơn 5 km đường đồi núi trắc trở bằng xe gắn máy, chúng tôi buộc phải dừng lại ở một nương rẫy sát bìa rừng để theo người dân dẫn đường đi bộ vào khu vực nóng. Cuốc bộ theo con đường mòn chừng gần 3 km, chúng tôi đã phải sững sờ trước cảnh những thân gỗ lớn bị đốn hạ.
Gỗ bị đốn hạ nằm la liệt. Ảnh: Văn Ngọc |
Ở hai bên con đường mòn rộng chừng gần 1 mét này, hàng chục gốc gỗ tươi rói còn đang rỉ nhựa. Những gốc gỗ trơ trọi trên đất rừng có đường kính trung bình 0,5-1 mét, thậm chí có những gốc có đường kính “khủng” lên đến 1,2 mét. Quanh mỗi gốc cây là la liệt mùn cưa và những bìa gỗ bị bỏ lại chứng tỏ lâm tặc đã dùng cưa lốc hạ cây rồi xẻ thành từng lóng để vận chuyển ra khỏi rừng. Nhiều gốc cây lâm tặc chỉ mới “xẻ thịt” trong sáng 6-7 hoặc chiều hôm trước khi vỏ cây vẫn còn tươi, ở phần ngọn lá còn xanh chưa có biểu hiện héo và mùi gỗ mới vẫn nồng nặc. Tiếp tục lần theo đường mòn, chúng tôi phát hiện có thân gỗ lớn lâm tặc vừa đốn hạ, đã dùng cưa lốc xẻ lấy phần thân chính nhưng chưa kịp vận chuyển. Thân gỗ này có kích cỡ chừng 0,6 mét x 1,2 mét và dài khoảng hơn 4 mét. Ước tính, chỉ riêng những gốc gỗ có dấu hiệu chặt phá mới, số lượng gỗ bị lâm tặc lấy đi đã lên đến hàng chục mét khối.
Ngang nhiên hoạt động
Một gốc gỗ lớn khoảng 3 người ôm trơ trọi đã bị lâm tặc đốn hạ lấy đi phần thân. Ảnh: Văn Ngọc |
Sẽ xử lý các cá nhân để xảy ra phá rừng Ngay trong chiều 6-7, P.V đã liên hệ qua điện thoại để báo tin lâm tặc phá rừng với ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang thì ông này cho biết: “Sáng nay vừa tiến hành họp thì không thấy Kiểm lâm địa bàn báo cáo gì về việc có phá rừng ở xã Lơ Pang cả”. Sau đó, P.V đã trực tiếp cung cấp thông tin, hình ảnh rừng bị tàn phá cho ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện thì ông Phi cảm ơn phóng viên đã phản ánh và nói rằng sẽ đích thân cùng lực lượng Quân đội, Công an… đi kiểm tra tình hình phá rừng để điều tra, xử lý ngay. Đồng thời UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng huyện tịch thu gỗ tang vật và triệu tập các đối tượng liên quan đến làm việc. Ông Chủ tịch UBNd huyện Nguyễn Như Phi cũng khẳng định: “Trước hết phải xử lý trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn, huyện đã tăng cường cho anh xuống ở đó mà anh không phát hiện người ta phá rừng thì anh phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó do Hạt buông lỏng quản lý nên cũng phải xử lý trách nhiệm của Hạt trưởng và cả Chủ tịch UBND xã nữa”. |
Cây gỗ khủng đường kính hơn 1 m2 bị lâm tặc tàn phá. Ảnh: Văn Ngọc |
Ngoài những thân gỗ còn đang rỉ nhựa, P.V cũng đã phát hiện rất nhiều những gốc gỗ khủng có đường kính lớn bị đốn hạ với dấu vết trong các khoảng thời gian khác nhau. Có những dấu vết đã hàng năm trời nhưng cũng có cây mới chỉ bị cưa trong khoảng vài tháng trở lại đây. Trong khoảng rừng già thâm u, lâm tặc đã lựa chọn những cây gỗ lớn nhất để đốn hạ. Có những cây lớn sừng sững cũng đã được lâm tặc dùng dao chặt vào thân làm dấu để chuẩn bị cưa. Đi đến đâu, lâm tặc lại làm đường mòn đến đó. Những con đường mòn rẽ nhánh như những chiếc vòi ăn sâu vào trong rừng. Ở khu vực được coi là trung tâm của các đường mòn, có một lán trại dựng lên với lều bạt, chăn màn, các dụng cụ nấu ăn và các chai nhựa đựng xăng nhớt loại dùng cho cưa lốc. Gần đó là một bãi cỏ trống có dấu vết của việc cột trâu. Tại các khu vực gốc gỗ mới bị đốn cũng có dấu vết của chân trâu, phân trâu chứng tỏ lâm tặc đã dùng trâu để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Lâm tặc vận chuyển gỗ giữa ban ngày. Ảnh: Văn Ngọc |
Lần theo dấu vết trâu kéo gỗ này, chúng tôi phát hiện con đường mà lâm tặc tuồn gỗ từ rừng ra. Con đường đi qua cột mốc được viết bằng chữ đỏ ký hiệu H27. Khi đến bìa rừng, con đường đi qua khu vực được cắm bảng “Mô hình quản lý rừng cộng đồng tại làng H’Lim, xã Lơ Pang” trước khi hòa vào đường giữa các nương rẫy của người dân. Điểm cuối của con đường này là tại làng Đak H’Lá, xã Lơ Pang. Tại bìa rừng, P.V phát hiện bãi tập kết gỗ đầu tiên nơi trâu kéo ra. Lúc này gỗ đã được xẻ thành từng lóng thẳng thướm. Mật phục tại đây vào trưa ngày 6-7, P.V đã chứng kiến cảnh 5-7 người dùng xe gắn máy để kéo gỗ từ bãi gỗ xuống một bãi tập kết khác để chờ xe độ đến vận chuyển đi. Tất cả diễn ra giữa ban ngày ban mặt mà không hề có sự e ngại nào với các cơ quan chức năng.
Bãi tập kết gỗ đã được xẻ thành lóng của lâm tặc. Ảnh: Văn Ngọc |
Lê Văn Ngọc