Đối diện với những bản án đích đáng, nghiêm khắc, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn, hối hận với những hành vi phạm tội, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để làm lại cuộc đời.
Mánh khoé lôi kéo, mở rộng tổ chức
Từ năm 2017, thông qua kênh Youtube, Tạ Văn Triệu (SN 1974, thường trú ấp An Phong, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) tìm hiểu về tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (CPQGVNLT) và được Phan Thị Thảo (SN 1957, thường trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội; tạm trú tại tổ dân phố 8, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai) tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo vào tổ chức phản động này.
Trước nhiều đặc lợi, ảo tưởng vào những điều hứa hẹn, như: Những ai tham gia tổ chức này sẽ được cấp nhà, xe hơi, khám chữa bệnh miễn phí, có cuộc sống sung sướng… mà tổ chức phản động này vẽ ra, Triệu đã xuôi theo.
Giữa năm 2020, Triệu được mẹ nuôi là Nguyễn Thị Ngọc (thành viên “CPQGVNLT” ở Pháp) hướng dẫn làm các thủ tục tham gia tổ chức phản động “CPQGVNLT”. Từ đó, Triệu hăng hái tham gia các cuộc họp trực tuyến vào sáng chủ nhật hàng tuần. Sau một thời gian ngắn, Triệu được Đào Minh Quân (kẻ cầm đầu tổ chức phản động “CPQGVNLT” ở Mỹ) phong hàm “Thiếu tá” và được giao các nhiệm vụ ủy viên “Ban tuyên nghiên huấn chí nguyện đoàn tỉnh Bến Tre”, thành viên “Ban thuyết trình”, “Ban trưng cầu dân ý” (TCDY). 2 năm sau, Triệu được phong hàm “Đại tá”.
Từ trái qua, các bị cáo Tạ Văn Triệu, Huỳnh Thị Khánh Trang và Cao Thị Ngọc Diễm thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Tạ Văn Triệu đã ghi âm nhiều bài viết do tổ chức phản động phân công để đăng tải trên các trang mạng xã hội. Cũng với thủ đoạn lừa mị như trên, Tạ Văn Triệu đã tuyên truyền lập danh sách hơn 2.000 trường hợp trong cả nước tham gia “TCDY”.
Đối tượng Cao Thị Ngọc Diễm và các tang vật liên quan đến vụ án. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Đối với bị cáo Huỳnh Thị Khánh Trang (SN 1987, thường trú xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kế toán, trong khi chờ xin việc làm, đã dành nhiều thời gian lên các trang mạng xã hội và đọc được các bài viết của Phan Thị Thảo về tổ chức phản động “CPQGVNLT”, từ đó đã gia nhập tổ chức này. Từ năm 2019, Trang tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Tháng 8-2020, Trang được Đào Minh Quân phong hàm “Trung tá” phụ trách “Phòng tuyển mộ”; một thời gian sau được phong hàm “Đại tá”, chức vụ “Trưởng Ban cấp nhà”. Thực hiện chỉ đạo của các đối tượng trong tổ chức “CPQGVNLT”, Trang đã thống kê và lên danh sách những người xin cấp nhà để chuyển cho các đối tượng phản động ở nước ngoài.
Với thủ đoạn lừa mị, tung tin về chương trình “Cấp phát nhà miễn phí” và chiến dịch “TCDY”, các đối tượng trong tổ chức phản động, khủng bố “CPQGVNLT” đã lợi dụng tâm lý hám lợi, lòng tham, hoàn cảnh khó khăn và nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân để thực hiện mưu đồ đen tối.
Qua đó, chúng chỉ đạo số tay chân trong nước khảo sát, lập danh sách và yêu cầu những người tham gia chương trình “Cấp phát nhà miễn phí” phải tham gia chiến dịch “TCDY” và thể hiện quan điểm chống đối, lên án chính sách của Đảng, Nhà nước ta, mong muốn thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, công khai ủng hộ “CPQGVNLT” và suy tôn Đào Minh Quân làm tổng thống cái gọi là “Đệ tam Việt Nam cộng hòa”.
Hối hận muộn màng
Tại phiên toà, Phan Thị Thảo và 9 đồng phạm đã thừa nhận: Hành vi cấu kết, nhận sự chỉ đạo của Đào Minh Quân và các đối tượng khác trong tổ chức phản động “CPQGVNLT”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội và Internet để hoạt động chống Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận thành quả các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; âm mưu xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ủng hộ cái gọi là nền “Đệ tam Việt Nam cộng hoà” và thành lập “CPQGVNLT”, suy tôn Đào Minh Quân làm “Tổng thống”. Các bị cáo sử dụng mạng xã hội để phát tán nhiều tài liệu có nội dung xấu, độc nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta và chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Nhận thức về những tội lỗi mình gây ra, bị cáo Phan Thị Thảo ân hận: “Nhiều năm qua, tôi tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước nên gia đình, bà con trong dòng họ đã từ mặt. Bản thân tôi cũng đã ly dị chồng; các con cũng không muốn gặp mặt. Hiện tại, tôi cảm thấy mình sống không bằng chết, ân hận, hối lỗi với những hành vi mình đã gây ra. Trước Toà, cho tôi được gửi lời xin lỗi đến chính quyền và các ngành chức năng và mọi người dân, đặc biệt là những người đã bị tôi dụ dỗ, lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội. Tôi mong muốn được pháp luật khoan hồng để sớm được trở về sống tốt quãng đời còn lại”.
Ở gần cái tuổi xưa nay hiếm, lẽ ra Thảo được hưởng cuộc sống an nhàn của tuổi già điền viên bên con cháu, thế nhưng vì mê muội, ảo vọng chính trị, Thảo trở thành con rối điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước, để thị rồi phải trả giá cho những tội lỗi của mình.
Tại phiên Toà các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, mong muốn được pháp luật khoan hồng giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Còn bị cáo Trần Thọ (SN 1965, trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) thì hối hận: “Bản thân tôi đã sai khi tin vào những lời hứa hẹn ngon ngọt của các đồng phạm, như: Tổ chức, lôi kéo lừa bịp người dân tham gia “TCDY” sẽ được cung cấp đất, nhà và có nhiều chế độ khác. Khi cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ, tôi biết mình đã sai trái và khai báo thành khẩn mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Hơn một năm rưỡi bị tạm giam, tôi suy nghĩ rất nhiều và ân hận lắm. Tội lỗi mình gây ra quá lớn nên giờ đây, tôi chỉ biết trách mình quá tin lời đồng bọn và hám lợi nên rơi vào cảnh tù tội…”
Đối với bị cáo Cao Thị Ngọc Diễm (SN 1969, thường trú phường 24, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) tham gia tổ chức phản động “CPQGVNLT” với vai trò là thành viên “Truyền thông công lý”, thành viên “Hội phụ nữ Việt Nam Tân Dân chủ toàn cầu”. Diễm tích cực liên lạc với các đối tượng trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ tài liệu phản động. Diễm từng nhận 20 cuốn “Hiến pháp đệ tam Việt Nam Cộng Hoà” và cờ 3 sọc làm tài liệu nhằm mục đích móc nối với các đối tượng khác để tuyên truyền. Với những hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, Cao Thị Ngọc Diễm được tổ chức phản động phong “Trung tá”, tham gia “Dự tính Cục chiến tranh tâm lý”; “Trưởng Ban thơ nhạc”; thành viên “Viện chiêu hiền”, thành viên “Hội đồng Tân dân chủ”…
Được nói lời sau cùng trước khi Toà tuyên án, bị cáo Cao Thị Ngọc Diễm bật khóc và thừa nhận: “Vì hám lợi, trước lời dụ dỗ, hứa hẹn về chức quyền, tiền bạc, tôi đã dấn sâu vào con đường tội lỗi, chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù phải trả giá bằng bản án nào đi chăng nữa thì tội lỗi của tôi và các đồng phạm không thể gột rửa.
Thời gian bị tạm giam, tôi suy nghĩ rất nhiều, hoàn cảnh gia đình tôi cũng rất khó khăn, hiện còn mẹ già đã ngoài 80 tuổi và đứa con 20 tuổi bị thiểu năng… Tôi mong Toà xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để bản thân có cơ hội trở về chăm sóc gia đình và hứa sẽ không có những hành vi sai trái nữa”.
Các bị cáo còn lại cũng đã thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội. Xét tình tiết vụ án, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Phan Thị Thảo, Tạ Văn Triệu mỗi bị cáo 13 năm tù; Vũ Đình Lan, Huỳnh Thị Khánh Trang, Trần Thiện mỗi bị cáo 12 năm tù; Cao Thị Ngọc Diễm, Trần Huệ Chân Vương mỗi bị cáo 9 năm tù; Trần Thọ, Trần Thị Kim Loan mỗi bị cáo 8 năm tù và Cao Cương 4 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.