Phóng sự - Ký sự

Viên ngọc xanh giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có diện tích gần 26.000ha với nhiều loại gỗ quý hiếm, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã được ghi trong sách đỏ, góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Hiện VQG Bù Gia Mập đang tập trung phát triển du lịch sinh thái để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên cho người dân và du khách.

Bảo tồn nguồn gen quý hiếm

Theo hướng dẫn của cán bộ VQG Bù Gia Mập, chúng tôi dạo một vòng khu rừng, thỏa thích ngắm nhìn nai, hươu, voọc ngũ sắc, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li và các loài chim niệc mỏ vằn, vàng anh. Trung tâm cứu hộ VQG Bù Gia Mập cho biết, trong năm 2021, VQG tiếp nhận 57 cá thể động vật có nguồn gốc hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm như vượn đen má vàng, culi, gà lôi trắng.

Các con vật từng là thú cưng nuôi trong nhà dân và bị thương do nạn săn bắt được đưa về chữa trị nên phải áp dụng nhiều biện pháp để giúp chúng phục hồi bản năng tự nhiên.

Mới đây, đơn vị đã tái thả thành công 51 cá thể động vật hoang dã về rừng tự nhiên. VQG Bù Gia Mập hiện có 105 loài thú, trong đó có 36 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài có tên trong sách đỏ thế giới như gấu chó, gấu ngựa, báo gấm, voi, bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, gà tiền mặt đỏ... góp phần bảo tồn các nguồn gen động vật quý hiếm.

VQG Bù Gia Mập là rừng nhiệt đới ẩm thường xanh, nửa rụng lá trên vùng đồi núi thấp (độ cao dưới 1.000m) chuyển tiếp từ Nam Tây Nguyên xuống miền Đông Nam bộ, còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng, trong đó có những cây gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, giáng hương.

Hiện VQG ghi nhận 1.117 loài thực vật, trong đó 6 loài có tên trong sách nguy cấp quý hiếm, 17 loài bị đe dọa theo sách đỏ Việt Nam, 19 loài bị đe dọa theo sách đỏ thế giới. VQG Bù Gia Mập cũng là nơi lý tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và có chức năng phòng hộ trực tiếp cho các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miêng góp phần tạo sự cân bằng sinh thái cho vùng hạ lưu tỉnh Bình Dương, TPHCM, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).


 

Khu vực nuôi nhốt linh trưởng tại VQG Bù Gia Mập trước khi thả về rừng
Khu vực nuôi nhốt linh trưởng tại VQG Bù Gia Mập trước khi thả về rừng.


Phát triển du lịch sinh thái

Đến với VQG Bù Gia Mập, du khách có dịp tham quan những di tích lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như sân bay Bù Gia Mập, bếp Hoàng Cầm, chốt Mỹ, điểm cuối của đường ống dẫn dầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh, hang dơi, hang nai, thăm khu vườn bảo tồn gen thực vật 50ha. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người S’tiêng, M’nông như Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới, ẩm thực đặc sắc với các món canh thục, canh bồi, cơm lam, nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm.

Hàng năm, VQG Bù Gia Mập thu hút hơn 2.000 lượt khách. Chị Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1978, ở TP Đồng Xoài, công tác tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Bình Phước) cho biết: “Dù công việc bận rộn nhưng tôi thường tranh thủ cùng bạn bè đến VQG Bù Gia Mập. Đến nơi đây, tôi cảm giác như một thế giới khác, thưởng thức khí hậu trong lành, không chút bụi bặm. Du khách dễ dàng bắt gặp nhiều loài phong lan rừng đua nhau khoe sắc và thích hợp cho những ai muốn chụp ảnh phong cảnh tự nhiên ở thác Đắk Bô, Lưu Ly, Đắk Rốt, Đắk Mai”.  

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập, cho biết thêm, VQG đang ưu tiên bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm; xây dựng dự án phát triển vùng đệm và ổn định đời sống dân cư, bảo tồn đa dạng sinh học VQG dựa vào cộng đồng; triển khai dự án trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa miền Đông Nam bộ; xây dựng vườn ươm thực vật phục vụ nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử, hướng tới phát triển VQG Bù Gia Mập bền vững.

Theo HOÀNG BẮC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm