(GLO)- Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2015 đang cận kề. Với khách hàng sử dụng ATM, nỗi lo sự cố khi đi rút tiền tại các máy trong ngày nghỉ lễ, Tết đã phần nào được giải tỏa khi Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được đưa vào thực hiện.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 12-12-2014, Nghị định 96 của Chính phủ được coi là động thái nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của các ngân hàng, trong đó có việc quản lý hệ thống máy rút tiền tự động ATM, tránh tình trạng hết tiền, lỗi khiến người dân không thể rút được tiền. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai đã chủ động triển khai tới hệ thống các ngân hàng thương mại, yêu cầu nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần Nghị định cũng như thông tin để đông đảo khách hàng theo dõi, nắm bắt.
Ngân hàng sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng nếu để ATM hết tiền. Ảnh: Lê Hòa |
Nơm nớp sợ máy ATM lỗi
Hầu hết khách hàng sử dụng thẻ ATM đều ít nhiều gặp phải tình huống máy ATM bị lỗi, tạm ngưng phục vụ vì lý do nào đó. Gặp lúc chưa có nhu cầu rút tiền gấp gáp thì chỉ cảm thấy khó chịu đôi chút, còn với những người làm ăn kinh doanh, đôi khi đồng tiền và thời khắc đều quan trọng thì gây ảnh hưởng không nhỏ.
Sở hữu đến 3 thẻ ATM của 3 ngân hàng khác nhau để tiện giao dịch công việc làm ăn nhưng không ít lần chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (tổ 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) phải bấn loạn cả lên vì máy ATM báo lỗi. “Khó chịu nhất là khi trong tài khoản có tiền và cần dùng tiền của chính mình lại không thể lấy ra để lo công việc do máy ATM báo lỗi. Đôi khi làm ảnh hưởng tới việc làm ăn và mất công, tốn thời gian của mình”-chị Thúy, tâm sự.
Dù chưa lần nào để lại hậu quả nhưng không ít lần chị dở khóc dở cười vì máy ATM báo lỗi. “Có lần mình cần chuyển tiền gấp cho bạn hàng nhưng đi mấy nơi máy đều báo lỗi, phải nói khó với người ta. Ít nhiều đối tác cũng cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng tới uy tín trong làm ăn”- chị Thúy, nói.
Còn với Trần Thế Toàn-một cán bộ công chức công tác tại TP. Pleiku, thì từ khi có ATM thấy có nhiều tiện lợi, tránh việc phải cầm tiền mặt theo bên mình vừa đề phòng rủi ro vừa… dễ kiểm soát chi tiêu, hạn chế những lúc “vung tay quá trán”. “Nhưng không ít lúc cần rút mà máy bị lỗi báo “tạm ngưng phục vụ” thì đúng là khó chịu, đôi khi lỡ cả công việc. Bọn mình hay đùa nhau là hiện đại nó hay… “hại điện” thế đấy!”-Toàn nói vui.
Có tiền mà không thể rút ra xài hay bị nuốt thẻ, tiền chưa rút đã bị trừ và phải làm thủ tục nhận lại… là sự cố khá thường xuyên khiến nhiều khách hàng cảm thấy phiền hà. “Lúc mất điện đã đành, có lúc chạy đôn chạy đáo mấy nơi cũng không rút được tiền vì máy hiển thị “tạm ngưng phục vụ” kèm theo lời xin lỗi và giải thích sự cố rất chung chung. Nhất là dịp lễ Tết, mình cần rút tiền nhiều thì càng hay gặp sự cố máy báo lỗi”- chị Thúy, cho biết thêm.
ATM hết tiền: Phạt 10-15 triệu đồng
“Khi Nghị định 96 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, chúng tôi đã có văn bản gửi tới tất cả 18 chi nhánh Ngân hàng Thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc”-ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, cho biết. Đồng thời, yêu cầu tất cả các ngân hàng phải niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hành vi vi phạm các quy định về tiền tệ và ngân hàng của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn theo số (059) 3822313
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cư, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 156 máy ATM (trong đó trên 60% số lượng máy thuộc địa bàn TP. Pleiku), thuộc 6 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và 12 Thương mại cổ phần với hơn 44.000 khách hàng được trả lương qua thẻ ATM; tổng lượng tiền huy động ước tính khoảng 21 ngàn tỷ đồng. Các ngân hàng phải đảm bảo lượng tiền và không được để xảy ra hết tiền, ảnh hưởng đến việc rút sử dụng tiền của khách hàng, đặc biệt là trong dịp Tết. Về mức xử phạt cụ thể, ông Cư cho biết, theo Nghị định 96 của Chính phủ, ngân hàng nào không giám sát mức tồn quỹ tại ATM, không đảm bảo phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã đồng loạt triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định này. Ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Vietinbank Gia Lai, cho biết: “Để đảm bảo cho các máy ATM duy trì hoạt động thông suốt chúng tôi đã cho nhân viên đi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống máy rút tiền tự động, công khai số điện thoại đường dây nóng tại các điểm rút tiền tự động, đồng thời đảm bảo chế độ theo dõi sát sao 24/24 giờ, đề phòng các sự cố. Trong dịp lễ, Tết, chúng tôi sẽ tăng lượng hộp quỹ dự phòng cho các máy ATM và đảm bảo định mức tồn quỹ tại ATM theo đúng quy định của hệ thống, không để xảy ra tình trạng máy bị hết tiền và khách hàng không rút được tiền tài khoản của chính mình”.
Hiện tại, Vietinbank Gia Lai đang có khoảng 24 máy ATM trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng trên 100.000 chủ thẻ. Cũng theo ông Đốc, để đầu tư và duy trì hoạt động của các máy rút tiền ATM thường thì ngân hàng sẽ phải chịu lỗ vì chi phí đầu tư, bảo trì, hoạt động… rất lớn (trên 1 tỷ đồng/máy). Trong khi đó, nguồn phí khai thác đem lại không bao nhiêu. “Vì tăng yếu tố cạnh tranh cũng như hướng tới ngân hàng điện tử nên ngân hàng buộc phải đầu tư, dù chịu lỗ”-ông Đốc, nhấn mạnh thêm.
Như vậy, với sự chủ động này, từ nay người dân Gia Lai sẽ phần nào vơi bớt nỗi lo về nguy cơ sự cố dễ bực mình từ các máy ATM “bỗng dưng tạm ngưng phục vụ”.
Lê Hòa