Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: Thiếu giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và tập trung, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành để công trình phát huy hiệu quả cần có những giải pháp căn cơ.
Hiệu quả sử dụng chưa cao
Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 281 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó 91 công trình hoạt động bền vững, chiếm 32,4%; 66 công trình hoạt động tương đối bền vững, chiếm 23,5%; 63 công trình hoạt động không bền vững và 61 công trình không hoạt động. Trong tổng số công trình trên, các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 24 công trình, chiếm 8,5%, còn lại UBND cấp xã quản lý 257 công trình, chiếm 91,5%.
Nguyên nhân các công trình hoạt động kém hiệu quả do phần lớn xây dựng đã lâu, xuống cấp, hư hỏng nặng không thể khắc phục, sửa chữa. Cụ thể, có 17 công trình đầu tư xây dựng trên 20 năm, 74 công trình trên 15 năm và 8 công trình trên 10 năm. Hơn nữa, chỉ có 43/84 công trình thu tiền của người sử dụng nước đáp ứng đủ chi phí vận hành; 197 công trình tự chảy không thu tiền nước; các công trình còn lại nguồn thu tiền nước của người dân không đủ trả chi phí hoạt động.
Không những vậy, khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác như đường giao thông, hệ thống thoát nước đã đè lên hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt, gây gián đoạn việc cấp nước. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ công trình và hành vi sử dụng nước của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Ủy ban nhân dân một số xã có công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa làm tốt công tác quản lý, sử dụng theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 4-12-2014 của UBND tỉnh.
Ông Djai (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) cho biết: Làng có 82 hộ. Vào mùa khô tìm nước sinh hoạt rất vất vả. Những năm trước, được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nên bà con bơm lên sử dụng rất tốt. Các hộ tự góp tiền lại để trả tiền điện. Nhưng mấy tháng nay, do vào mùa mưa nên bà con trữ nước mưa dùng, một số hộ kéo ống dẫn nước từ núi về sử dụng nên không bơm nước nữa. Công trình tạm dừng hoạt động. Gia đình tôi vẫn thường xuyên dọn dẹp quanh khu vực bể nước tập trung này để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và khởi động máy bơm định kỳ để không bị hư hỏng.
Nguồn nước sinh hoạt dồi dào tại công trình cấp nước tự chảy làng Kó (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Tìm giải pháp căn cơ
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết công trình do UBND cấp xã quản lý, vận hành rất khó thu được tiền nước hoặc có thu cũng chỉ đủ trả tiền điện nên công tác bảo dưỡng, vận hành khó đảm bảo. Còn công trình do các đơn vị sự nghiệp quản lý hoạt động hiệu quả hơn nhờ UBND huyện quan tâm chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh có rất ít đơn vị sự nghiệp có thể thực hiện quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung. Vì vậy, số lượng công trình do những đơn vị này quản lý còn rất ít.
Ông Tạ Đức Hưng-Trưởng trạm quản lý thủy nông huyện Kbang-cho biết: Trước đây, đơn vị quản lý nhiều công trình cấp nước tập trung, nhưng hiện nay một số công trình ở xa đã giao về cho các xã quản lý, vận hành. Theo ông Hưng, các công trình cấp nước tự chảy khó thu tiền hơn công trình cấp nước tập trung có gắn đồng hồ nước cho từng hộ sử dụng. Việc gắn đồng hồ nước tại hộ dân cũng được người dân hưởng ứng vì với giá 2.500 đồng/m3 đủ để chi phí quản lý, vận hành công trình.
Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị, để các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phát huy hiệu quả, UBND cấp huyện cần triển khai bàn giao các công trình kém bền vững hoặc hoạt động không hiệu quả cho các đơn vị sự nghiệp có năng lực quản lý, khai thác. Củng cố nâng cao năng lực đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung. Đồng thời thanh lý các công trình không hoạt động.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định phân cấp trách nhiệm quản lý sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn. Hàng năm, bố trí đủ kinh phí duy tu, sửa chữa, vận hành. Đặc biệt, UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành phát huy hiệu quả công trình cấp nước đã được đầu tư.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm