Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quản lý xe máy kéo nhỏ: Cần giải pháp quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thảo về công tác quản lý xe máy kéo nhỏ (đặc biệt là xe công nông) diễn ra tại Gia Lai ngày 26-6 mới đây được xem là động thái tích cực khi cả 5 tỉnh Tây Nguyên cùng ngồi lại bàn bạc, tìm giải pháp kiềm chế tai nạn liên quan đến loại phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp địa phương.

Còn nhiều bất cập

Những bất cập liên quan đến công tác quản lý xe công nông trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã được bàn đến lâu nay. Song, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, bởi đây là loại phương tiện phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp mà hiện vẫn chưa có phương tiện nào thay thế phù hợp với điều kiện địa hình của Tây Nguyên. Theo ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai) công tác đăng ký biển số xe máy kéo nhỏ trên địa bàn không thực hiện được vì xe máy kéo nhỏ bán trên thị trường không có các giấy tờ theo quy định.

 

Xe công nông lưu thông trên quốc lộ 14. Ảnh: L.L

Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn ngành về xe máy kéo nhỏ; chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4 hiện chưa phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ dân trí của người dân địa phương… Đáng nói là, tình trạng sử dụng xe công nông để chở người lưu thông trên đường vẫn diễn ra, không ít vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra. Điển hình là vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe công nông xảy ra trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) vào ngày 27-11-2015, làm cả 14 người trên xe bị hất xuống đường khiến 5 người tử vong, 9 người còn lại bị thương nặng. Hay như vụ xe công nông chở 25 người đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm người thân vào năm 2013, khi trở về đến thôn Hà Lòng (huyện Đak Đoa) đã gặp tai nạn khiến 15 người bị thương nặng…

Tương tự, ở các địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên, công tác quản lý xe máy kéo nhỏ cũng vấp phải nhiều vướng mắc. Ông Trịnh Hữu Kiệm-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải Đak Lak), cho biết: “Là tỉnh có số lượng xe máy kéo nhỏ nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên, vì thế, việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Hầu hết xe công nông đều không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm cấp, số lượng người điều khiển có GPLX hạng A4 chiếm tỷ lệ thấp (chỉ khoảng 13%). Mật độ phương tiện hoạt động trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vào thời gian cao điểm (sáng sớm và chiều tối) rất đông, nguy hiểm hơn là tình trạng chở người trên xe công nông vẫn phổ biến…

Trong khi đó, hệ thống đèn tín hiệu của các phương tiện này rất hạn chế dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông và nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 90 vụ tai nạn liên quan đến xe công nông, làm chết 53 người, bị thương 67 người”. Còn theo đại diện của Sở Giao thông-Vận tải Đak Nông, tỉnh chỉ mới đăng ký được 13.502 xe/tổng số 19.814 xe máy kéo nhỏ trên địa bàn, tỷ lệ người có GPLX cũng chỉ đạt 4,68%, quá thấp so với lưu lượng xe lưu thông trên địa bàn. Những người chưa được đào tạo GPLX chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ còn hạn chế. Ngoài ra, việc xử phạt khó khăn vì mức phạt cao so với thu nhập của người dân, phương án xây dựng đường gom dành cho xe máy kéo nhỏ khó thực hiện vì thiếu quỹ đất…

Từ Trung ương đến địa phương “vào cuộc”

Với những bất cập trong công tác đào tạo cấp GPLX, ông Trịnh Hữu Kiệm kiến nghị: “Bộ Giao thông-Vận tải nên điều chỉnh chương trình phù hợp bằng cách giảm thời gian học thực hành, tăng thời gian học lý thuyết và có chế độ cho người học... Vì, đa số đối tượng chưa được đào tạo đều là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, việc học tập trung tại các cơ sở đào tạo rất khó khăn”. Còn theo ông Nguyễn Văn Gia-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Lâm Đồng, cần thống nhất các định nghĩa về xe máy kéo nhỏ các loại để “áp” trách nhiệm đối với cơ quan đăng ký và có quy định phạm vi giờ hoạt động để giải quyết vấn đề, từng bước hạn chế việc lưu thông xe máy kéo nhỏ.

 

Theo thống kê, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 145.000 xe máy kéo nhỏ, trong đó Đak Lak có số lượng nhiều nhất với 78.800 xe, Gia Lai 37.747 xe, Đak Nông 19.814 xe… Đây là con số khá lớn so với cả nước, vì thế cần sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng từ các cơ quan Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiềm chế tai nạn liên quan đến loại phương tiện này.

Một trong những bất cập mà cả 5 tỉnh Tây Nguyên đều vướng phải đó là việc đăng ký xe máy kéo nhỏ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai đề xuất: Bộ cần sớm xây dựng và ban hành quy chuẩn ngành về xe máy kéo nhỏ, đồng thời nghiên cứu phương án tổ chức cấp đăng ký biển số xe máy kéo nhỏ theo hình thức xe máy kéo chuyên dùng phục vụ nông nghiệp. Như vậy sẽ tiện hơn cho việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện này, bởi theo quy định, việc đăng ký xe chuyên dùng sẽ do Sở Giao thông-Vận tải địa phương thực hiện, thay vì cơ quan Công an như trước đây. Quan trọng hơn, nếu đây là xe chuyên dùng phục vụ nông nghiệp thì sẽ hạn chế được phạm vi lưu thông, qua đó kiềm chế được tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Thạch-Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông-Vận tải) cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện phát triển sản xuất với khẩu hiệu an toàn giao thông, tính mạng con người là trên hết; tăng cường giáo dục văn hóa giao thông... Đề nghị ngành Công an nghiên cứu, tạo điều kiện đăng ký đối với người có phương tiện. Về đào tạo cấp GPLX hạng A4 đối với đồng bào dân tộc khó khăn, các Sở Giao thông-Vận tải cần nghiên cứu xây dựng phương án phù hợp với điều kiện của địa phương, bám sát các thông tư hướng dẫn. Cục Đăng kiểm Việt Nam cần sớm hướng dẫn lắp và dán bảng phản quang vào phương tiện. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm... Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, hoán cải các phương tiện, sử dụng xác ô tô cũ để độ chế xe công nông”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm