45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong thời kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: ''Cán bộ là gốc của công việc'', do đó, Người yêu cầu ''phải biết rõ cán bộ” để có kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện, sử dụng phù hợp.

Tư tưởng về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tư tưởng lớn trong suốt cuộc đời vĩ đại của Người. Chính Người là người thầy, là lãnh tụ tối cao của Đảng, đồng thời là tấm gương sáng nhất về người cán bộ - “công bộc” của nhân dân, suốt đời phấn đấu hi sinh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác cán bộ, Người luôn áp dụng triệt để giữa việc nói và làm với mục đích xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” cho Đảng, cho đất nước và cho nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền Bắc (26-1-1956) - Ảnh tư liệu.

Trước hết, theo Người, công tác cán bộ bắt đầu từ đào tạo, bồi dưỡng. Chính vì vậy, trước lúc đi gặp cụ Các Mác, Lê-nin, Người vẫn luôn tâm niệm: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Trong cuộc đời, Người trực tiếp tuyên truyền vận động, thuyết phục, viết báo, viết sách, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ lý luận đến thực tiễn, từ lời nói đến việc làm. Người nêu câu nói của Lênin phải “học, học nữa, học mãi”… Do ảnh hưởng của Người, hoặc do Người trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng, cách mạng Việt Nam đã có những đội ngũ cán bộ kế tiếp nhau, nhiều học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc trong từng thời kỳ mà tên tuổi của họ luôn gắn với những trang sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đào tạo cán bộ không phải một sớm, một chiều mà cần làm lâu dài, chu đáo, tỉ mỉ và đến nơi đến chốn. Việc đào tạo cán bộ phải là một nghệ thuật. Người dạy: "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu". Và chỉ rõ: "Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được một cán bộ tốt. Cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được" Và điều quan trọng hơn, Người đã tự mình nêu gương sáng nhất về phẩm chất đạo đức của một “Con Người” và một cán bộ “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong mối quan hệ toàn diện, nhiều chiều, phát triển và không định kiến. Người nêu rõ: ''Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải sẽ sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm nhưng chắc gì sau này không bị sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn luôn giống nhau... lúc cách mạng lên cao thì hăng hái, lúc cách mạng gặp khó khăn thì đâm ra hoang mang''(1). Và Người cho rằng, đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Chúng ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. “Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công" (2).

Trong việc sử dụng cán bộ, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải xác định đúng yêu cầu của công việc, ''công việc yêu cầu cán bộ''. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ thực hiện. Giao việc theo tư tưởng của Bác là dân chủ, rõ ràng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và phải phát huy được tính sáng tạo của cán bộ. Bác chỉ rõ: Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, phải làm cho họ yên tâm công tác, hứng thú trong công việc. Muốn thế, người lãnh đạo phải làm sao cho cán bộ "cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", cả gan phụ trách, cả gan làm việc". Người căn dặn, cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên nghe, hỏi ý kiến cấp dưới, phải khiến cho cán bộ cấp dưới dám nói và đề ra ý kiến; nếu ý kiến của họ không đúng thì nên dùng thái độ thân thiết giải thích cho họ hiểu. Cán bộ lãnh đạo phải tạo cho cán bộ cấp dưới tuỳ cơ ứng biến trong khi giải quyết các công tác.

Và trong việc cất nhắc, đề bạt cán bộ, Bác đề cao tinh thần "vì công tác, vì tài năng" chứ không phải "lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang" và khi bố trí, sử dụng phải tránh sự thiên vị cá nhân. Bác cho rằng, nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm, lôi thôi.

Một điều quan trọng nữa là công tác đánh giá cán bộ. Theo Người, để đánh giá đúng, đòi hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan và khi đánh giá cán bộ phải dựa vào dân, lấy ý kiến của dân, đem ra tập thể bàn bạc và đi đến thống nhất. Người từng khẳng định: Đánh giá đúng cán bộ để Đảng có kế hoạch huấn luyện cán bộ vì ''cán bộ là tiền vốn của Đảng'', ''công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém''… Đặc biệt, Người chỉ rõ: “Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét các sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào… Không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay… Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa…”(3).

Theo Bác, đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét kỹ trước khi cất nhắc, đề bạt, mà sau khi đã cất nhắc, đề bạt vẫn phải tiếp tục giúp đỡ để họ tiếp tục tiến bộ… Khi họ mới có dấu hiệu sai lầm, khuyết điểm là phải tìm cách chấn chỉnh ngay, đừng để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát, rồi mới đem ra “nắn chỉnh”…

 

Tại Hội nghị giao ban việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW diễn ra mới đây của các Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã khẳng định, trong công tác cán bộ, cần đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ đã trở thành tài sản tinh thần, tư tưởng vô giá, những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Ngày nay, Đảng ta đang ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói riêng cho phù hợp với thời kỳ mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang diễn ra sôi nổi, ngày càng đi vào chiều sâu và hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong mọi ngành, mọi giới. Đây cũng là biện pháp quan trọng, tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng ta trong thời kỳ mới. Thực hiện Chỉ thị này, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Đặc biệt, phải thường xuyên ghi nhớ và làm theo những điều Bác Hồ yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cấp uỷ đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, suy ngẫm những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để vận dụng vào thực tiễn địa phương, đơn vị mình, khắc phục những mặt hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ hiện nay theo hướng nội dung trọng tâm là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

(1)(2)(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H 2002, tập 5, tr 278 - 282

Theo đcsvn

Có thể bạn quan tâm