MC Quyền Linh vừa đàng hoàng gửi lời xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế trong việc giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường.
Quyền Linh nói anh chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, anh đã nhầm thông tin về công dụng sản phẩm sau khi sử dụng.
Đúng là đã có sự “thiếu tiết chế” giữa công dụng của một thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên giấy xác nhận được cơ quan chức năng cấp và công dụng trên mạng, trên tivi. Nào là hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư... tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường.
Hôm qua, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng... để không gây thiệt hại cho những người tiếp nhận quảng cáo.
Một chỉ thị xét ra là rất cần thiết khi tràn lan những quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, thậm chí lập lờ đánh lận giữa thực phẩm chức năng để người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh.
Những quảng cáo sai sự thật này vừa khiến người dân tốn kém thời gian, tiền bạc và cả sức khoẻ.
Nội dung quảng cáo sẽ bị buộc phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người tiếp nhận quảng cáo. Chỉ thị của Bộ VHTTDL trước nạn quảng cáo sai sự thật (mà nói thẳng là quảng cáo láo).
Trở lại với lời xin lỗi của Quyền Linh. Sự đàng hoàng, thái độ dám nhận sai và lời xin lỗi của anh, rất tiếc, lại là của hiếm, so với tình trạng rất đông các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm “thiếu tiết chế”.
Nó càng cho thấy việc chấn chỉnh quảng cáo thổi phồng, sai sự thật - mà dân gọi thẳng là quảng cáo láo - không thể trông chờ vào trình độ, sự tự giác của các nghệ sĩ nhận quảng cáo.
Nó cần có một “cái thước” và “một tờ biên lai”.
Cái thước, chính là các yêu cầu trong luật quảng cáo, trong các chỉ thị như của Bộ VHTTDL, là sự kiểm soát hồ sơ cấp phép quảng cáo. Và cả những quy định người quảng cáo phải được cấp phép.
Có người đã nói rất đúng: Các xuất bản phẩm về văn hoá hầu hết đều phải xin phép; các doanh nghiệp đều phải đăng ký kinh doanh vậy thì nghệ sĩ đi làm quảng cáo, bằng những hình ảnh, clip như một xuất bản phẩm và cũng là một hình thức kinh doanh để lấy tiền thì tại sao lại không đăng ký, không xin phép, không qua kiểm duyệt nội dung?
Còn tờ biên lai xử phạt. Nó chính là những căn cứ để loại bỏ những quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, chính là cách thức để người ta không thể không trung thực. Và cũng để chấm dứt câu chuyện “một lời xin lỗi là xong”.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/quang-cao-lao-can-mot-cai-thuoc-va-to-bien-lai-912835.ldo
Theo Đào Tuấn (LĐO)