Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Quê hương đau đáu đi tìm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra và lớn lên tại Gia Lai nên mặc nhiên gọi nơi này là quê hương của mình, dù không phải quê cha đất tổ. “Quê hương là gì hở mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”, câu hỏi hồn nhiên của ngày thơ ấu đó, cho đến bây giờ-khi đã thở bằng vị nồng của gió núi gần 30 năm-tôi vẫn đau đáu đi tìm.
Tôi chưa bao giờ dám định nghĩa về quê hương của mình. Cũng bởi, trong tâm khảm của mỗi người, quê hương đẹp đẽ và thiêng liêng nhiều lắm. Đôi khi, tôi sợ những ý niệm vụn vặt, riêng tây lại khiến cho dư vị của hương quê nhà không còn trọn vẹn. Và cứ thế, hai chữ “quê hương” trong tôi lúc nào cũng tha thiết ngân lên, vừa gần gụi, cụ thể, vừa trừu tượng...
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Niềm yêu thích viết lách cho tôi cơ hội được đến thăm nhiều miền trên cao nguyên bạt gió. Nơi nào cũng là một góc lữ hành đơn sơ mà tuyệt mỹ. Tôi bắt đầu yêu ngôi làng nhỏ nằm cheo leo giữa thung sâu, bao quanh là dòng Ayun thơ mộng chảy; yêu cánh đồng lúa trải vàng tít tắp, dập dờn trong gió sớm mai. Tôi yêu thảm rừng cao su đang độ thay lá, phảng phất chút nét đẹp của mùa đông châu Âu xa xôi hay những vùng bình nguyên xanh thẳm nằm ngay dưới chân dãy núi Chư Nâm đường bệ. Ngày mỗi ngày, tôi lại thấy lòng mình thêm xuyến xao khi đi qua những tháng mười rực sắc dã quỳ nơi đỉnh dốc sương mù. Tôi thích thú ngắm nhìn những mùa đông thâm trầm vắt ngang phố, khi con người giả vờ biết lạnh để nhắc nhau mặc ấm, uống cùng nhau tách cà phê nóng giữa phố đông bùi ngùi nỗi nhớ. Phải chăng, khi nhớ về quê hương, ta thường nhớ đến những nét đẹp riêng nhất, tiêu biểu nhất ở nơi nuôi dưỡng tâm hồn mình?
Nhà tôi ở ven hồ TNưng, nơi có bóng hàng thông xanh tư lự nép bên đường bụi đỏ, nơi có ngôi chùa cổ với mái cong trầm mặc đợi người lữ thứ. Tôi-cô gái từng mang tuổi thanh xuân của mình đi khắp nơi-thi thoảng lại ngẩn ngơ trước những chân trời mới lạ, nhưng khi về với Gia Lai thân thương, chỉ một cánh hoa xuyến chi nở vội ven đường cũng đủ thấy lòng thổn thức. 
Thầm nghĩ, quê hương không chỉ là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi có người ta yêu thương mà xứ sở ấy còn cùng chúng ta đi qua ngày thơ dại, ghi dấu những kỷ niệm bình dị mà quá đỗi đong đầy. Đó là đôi chân lon ton theo nội ra vườn hái từng đọt ớt cho nồi canh tập tàng hòa chút mặn mòi vị muối, đó là buổi tối chong đèn đánh chữ cùng cha hay xúm xít trước khung cửa đợi mẹ về trong một ngày ngược gió. Rồi những con đường đến trường mới ban trưa còn nắng, chiều đã đổ trắng cơn mưa, con diều nhỏ ai thả tận cuối trời; tiếng cười hồn nhiên như nụ hoa dại reo vào gió những mùa chờ đợi. Mỗi kỷ niệm với quê hương là một tiếng lòng. Tôi lớn lên, bước ra cuộc đời và mang theo quê hương như là hơi thở. 
 Tôi vẫn hiểu, tình yêu quê hương cao quý lắm, thiêng liêng lắm. Một con người chưa bao giờ cầm súng để bảo vệ từng tấc đất quê hương trong những ngày lửa đạn cam go sẽ thật khó lòng nhận ra tình yêu của mình lớn đến nhường nào. Nhưng xin được nghĩ về mảnh đất Gia Lai bằng những gì gần gũi, thân thuộc nhất; xin được yêu miền quê này bằng tình yêu nồng nhiệt mà đơn sơ nhất, chân thành mà thiết tha nhất. Như cách mà nhà văn Ilya Grigoryevich Ehrenburg đã yêu quê hương Xô Viết của mình-yêu từng cái cây trồng trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.
Vì tôi tin rằng, “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê sẽ trở nên lòng yêu Tổ quốc”, rất mực thiết tha và thắm nỗi tự hào. 
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm