Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sẽ là điểm đến của du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 2 lần tạm dừng để điều chỉnh thiết kế, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục cuối cùng của công trình Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để kịp hoàn thành vào cuối tháng 12-2018. Được thiết kế, xây dựng mô phỏng hình dáng nhà rông Tây Nguyên, Quốc môn hứa hẹn sẽ đón nhiều du khách đến tham quan.
Chính thức khởi công vào tháng 8-2016, Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là công trình rất quan trọng, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập dân tộc và là biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết với nước láng giềng Campuchia. Công trình có tổng mức đầu tư 43,84 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh. Để có được một cổng quốc gia uy nghi, Quốc môn đã qua 2 lần điều chỉnh thiết kế theo chỉ đạo của UBND tỉnh và khuyến cáo của Bộ Xây dựng. Lần điều chỉnh đầu tiên là tháng 12-2016 khi dầm ngang được vuốt cong cách điệu của mái nhà rông; thay đổi biểu tượng tại vị trí đặt Quốc huy từ hình dáng hoa sen bằng biểu tượng dân tộc Tây Nguyên; đồng thời, bổ sung thang máy và thang bộ ở 2 bên trụ cổng để phục vụ những du khách có mong muốn được lên đỉnh Quốc môn quan sát hết khu vực cửa khẩu từ trên cao. Đến tháng 5-2017, công trình mới tiếp tục được triển khai thi công.
 Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang thi công những hạng mục cuối cùng. Ảnh: Hà Duy
Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang thi công những hạng mục cuối cùng. Ảnh: Hà Duy
Sự thay đổi thiết kế này đòi hỏi đơn vị thi công phải có đội ngũ kỹ sư, công nhân có năng lực chuyên môn cao mới đảm bảo yêu cầu về thời gian hoàn thành cũng như kỹ-mỹ thuật công trình. Do vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã phải thay đổi đơn vị thi công. Ông Nguyễn Trọng Quyền-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thiết kế Xây dựng và Thương mại Phúc An-đơn vị được chọn để tiếp tục xây dựng công trình Quốc môn-cho biết: “Có độ cao tới 33 mét, lại không phải trụ thẳng mà có hình cong nên việc thi công rất khó. Nhưng chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm và đã thực hiện các công trình lớn nên với Quốc môn, chúng tôi cũng sẽ thực hiện đúng như thiết kế và đảm bảo chất lượng”.
Tuy nhiên, theo thiết kế, dầm ngang của Quốc môn sẽ được làm bằng bê tông cốt thép với độ dài trên 40 mét, là độ dài rất lớn đối với công trình độc lập như Quốc môn nên Bộ Xây dựng đã chỉ đạo 2 đơn vị trực thuộc là Cục Giám định nhà nước và Viện Khoa học Công nghệ đề nghị chuyển vật liệu thi công dầm ngang từ bê tông cốt thép sang dầm thép bọc bê tông sợi thủy tinh. Đây là loại vật liệu xây dựng có độ bền vững cao trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, có độ bền kéo gấp 3 lần thép AIII, độ dẫn nhiệt và dẫn điện thấp, không có từ tính và có trọng lượng riêng chỉ bằng 1/5 so với bê tông cốt thép, thường dùng cho các công trình cao tầng, sàn tầng hầm và sàn nhà, các công trình giao thông và cầu cảng như: sàn mặt cầu, mặt đường bê tông... Dầm ngang của Quốc môn được thiết kế cách điệu mái nhà rông, ngoài việc chịu lực còn có công dụng như một cầu vượt giúp du khách có thể quan sát toàn bộ khu vực cửa khẩu, do vậy, việc thay đổi vật liệu nhẹ hơn để giảm trọng lượng là hợp lý và cần thiết. Theo đó, một lần nữa, Quốc môn phải tạm dừng thi công để điều chỉnh thiết kế.
Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Nếu được điều chỉnh sớm hơn thì công trình đã kịp khánh thành vào dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên để đón nhiều du khách đến tham quan. Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan nên đến tháng 8-2018, UBND tỉnh mới phê duyệt điều chỉnh, cộng với thời tiết mưa dầm liên tục, kéo dài suốt hơn 3 tháng nên dự kiến đến gần cuối tháng 12-2018 Quốc môn mới hoàn thành. Song, không vì vậy mà chúng tôi “ép” tiến độ, vấn đề được đặt lên hàng đầu là chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật công trình”.  Ông Binh cho biết thêm, đây là công trình rất quan trọng của quốc gia nên để đảm bảo chất lượng công trình đến mức tối đa, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã chỉ đạo Công ty Phát triển Hạ tầng Khu kinh tế (thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lý dự án) ký hợp đồng với Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm định chất lượng từng hạng mục công trình.
Mặc dù chưa hoàn thành nhưng Quốc môn đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Chị Phạm Thị Hà Trinh-một du khách đến từ Thanh Hóa-nhận xét: “Tôi cùng gia đình vào Gia Lai dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Sẵn dịp, tôi đã lên Cửa khẩu Lệ Thanh một lần cho biết. Tôi thực sự bất ngờ khi thấy công trình Quốc môn rất hoành tráng, rất đẹp. Nếu Quốc môn được lắp thêm đèn chiếu sáng để khách có thể chiêm ngưỡng vào buổi tối nữa thì tuyệt lắm, chắc chắn du khách sẽ rất thích”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm