Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Quyền con người-Không nhất thiết quy định quá nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở chương 2, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bao gồm 37 Điều. Dự thảo làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân…

Tuy nhiên, tại một số điều mới bổ sung quy định thêm các quyền như: Điều 16, 21, 44, 45, 46. Có nhiều ý kiến cho rằng không phải cứ quy định thật nhiều quyền trong Hiến pháp thì trên thực tế sẽ có quyền đó, mà các quyền con người nên quy định ở các văn bản dưới Hiến pháp. Thực tế cho thấy xã hội càng phát triển thì quyền con người cũng ngày càng phong phú, do đó pháp luật cũng không thể dự liệu được tất cả các quyền mà Hiến pháp là đạo luật gốc cũng khó có thể thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

 

 

Về một số quyền cụ thể mới bổ sung, như tại Điều 21 quy định: Mọi người có quyền sống. Cần bổ sung thêm cụm từ: trừ trường hợp người phạm tội bị thi hành hình phạt tử hình theo quy định của pháp luật. Vì hiện nay Việt Nam chưa bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự, do đó nếu như theo dự thảo thì phải sửa Bộ luật hình sự theo hướng bỏ hình phạt tử hình. Hoặc tại Điều 44 quy định mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa… quy định này khó khả thi vì hiện nay ở nước ta khi xem các sự kiện văn hóa không phải được miễn phí 100%, mà còn phải có nghĩa vụ mua vé.

Sửa đổi Điều 4-Cần luật hóa sự lãnh đạo của Đảng

Điều 4, Hiến pháp 1992 quy định: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”, nhưng từ 1992 đến nay chưa có luật về Đảng. Trong khi đó, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị hầu như đều có luật như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999), Luật Thanh niên (2005)…

Tại Điều 2, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”. Khoản 3, Điều 4 (dự thảo) quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đảm bảo sự minh bạch, thể hiện đúng bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì cần có luật về Đảng, nhằm tránh sự hoài nghi của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.

Mặt khác, cần bổ sung từ trước pháp luật tại khoản 2, Điều 4 và sửa lại là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật về những quyết định của mình”. Vì chịu trách nhiệm trước nhân dân chỉ là trách nhiệm chính trị, ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sẽ đầy đủ và cụ thể hơn. Vì Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật thì không thể đứng ngoài pháp luật.

Luật gia: Nguyễn Quang Quý

Có thể bạn quan tâm