Những năm gần đây, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã đưa hoạt động múa Chăm vào trình diễn thường xuyên tại Di tích Tháp Bà Ponagar ở thành phố Nha Trang để phục vụ người dân và du khách. Những vũ điệu quyến rũ được xem như “món ăn tinh thần” không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với phố biển Nha Trang.
Du khách tham quan Tháp Bà Ponagar |
Nhóm nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ và múa Chăm đều là người dân tộc Chăm, đến từ làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Theo ông Vạn Ngọc Chí (47 tuổi, làng Mỹ Nghiệp), vũ điệu Chăm mô phỏng những động tác quen thuộc trong cuộc sống lao động hàng ngày của đồng bào Chăm, như: Múa quạt, múa đội lửa, múa âm dương, múa Apsara…
Còn ông Vạn Ngọc Chí (47 tuổi, làng Mỹ Nghiệp) cho biết: Du khách rất thích thú khi lần đầu tiên thấy điệu múa Chăm. Đặc biệt là điệu múa lu rất khó, các cô gái phải vừa đổi lu vừa múa. Trong âm nhạc truyền thống, người Chăm có nhiều loại nhạc cụ nhưng có 3 loại chính, đó là: trống Ghi năng, trống Paranưng và kèn Sranai. Hiện nay, cả 3 nhạc cụ này đều được đưa vào diễn tấu, phục vụ cho du khách tại tháp bà Ponagar Nha Trang.
Đến khu di tích này, du khách sẽ nhận thấy những điệu múa Chăm “không sân khấu hóa”, mà thể hiện được mộc mạc. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tháp Bà là công trình kiến trúc có giá trị rất lớn về văn hóa, đồng thời là nơi để du khách đến tham quan du lịch. Chính vì những yếu tố đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đưa điệu múa Chăm cùng các nhạc cụ của người Chăm múa ở dưới chân của Tháp Bà Ponagar. Chúng tôi “không sân khấu hóa” múa Chăm để giữ được “cái hồn” của người Chăm trong các bài múa. Từ đó tạo sự lan tỏa văn hóa của người Chăm cũng như người Việt đến du khách quốc tế”.
Anh Trần Quang Hiệp – du khách Quảng Ninh chia sẻ: “Đến với Nha Trang, ngoài con người, phong cảnh rất tuyệt vời và thân thiện, chúng tôi còn được xem các điệu múa Chăm rất ấn tượng, độc đáo”.
Tháp Bà Ponagar được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm. Đây là nơi thờ Thiên Y Thánh mẫu Ana, Người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, từ sau dịch COVID-19 đến nay, mỗi ngày Tháp bà Ponagar đón khoảng 1.500 - 2.000 khách du lịch.
Một số hình ảnh về trình diễn vũ điệu Chăm |
Theo ĐẶNG ANH TUẤN (baolamdong)