Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Quyết liệt triển khai các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nghị quyết này trong thời gian tới.
Nhận diện biểu hiện suy thoái
Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), hầu hết cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao. Kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Bên cạnh kết quả đạt được, tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung phân tích làm rõ để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 4 từ trái qua) và đoàn công tác của Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) tháng 4-2017. Ảnh: Đ.T
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 4 từ trái qua) và đoàn công tác của Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) tháng 4-2017. Ảnh: Đ.T
Phân tích một số tồn tại, Bí thư Huyện ủy Chư Sê Nguyễn Hồng Hà cho rằng: Một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đặt nặng vấn đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chưa dành thời gian để kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Bí thư Huyện ủy Chư Sê cho rằng: Trong giai đoạn tổ chức đại hội Đảng các cấp, từ cấp chi bộ trực thuộc tổ chức Đảng cơ sở cho đến các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện ít nhiều xảy ra tình trạng chưa đồng lòng, cá biệt còn xích mích cá nhân. Một số hành vi lôi kéo, bôi nhọ cán bộ diễn ra trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội. Vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên nhận thức lệch lạc trước thông tin trên mạng xã hội liên quan đến các sự kiện, dịch bệnh. “Chúng tôi phát hiện 31 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm và xử lý thích đáng. Tất cả những trường hợp vi phạm đều được kiểm điểm, chấn chỉnh, có người bị khai trừ ra khỏi Đảng”-Bí thư Huyện ủy Chư Sê thông tin.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Chư Sê, không những ở các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố mà các chi bộ văn phòng, các ban Đảng, phòng ban chuyên môn của huyện chưa làm tốt công tác sinh hoạt chi bộ. Các phòng, ban chỉ tập trung sinh hoạt chuyên môn, nhầm lẫn cuộc họp giao ban như sinh hoạt chi bộ; các ban Đảng thì cho rằng đã thông suốt nghị quyết, chủ trương nên cũng coi thường việc duy trì sinh hoạt; công tác đánh giá tổ chức cơ sở Đảng cuối năm theo đó cũng thiếu sâu sát. Hệ quả là việc chủ động phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm hầu như không có mà chủ yếu phát hiện thông qua phản ánh của người dân, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong khi đó, nhận diện tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân cho rằng, biểu hiện phai nhạt lý tưởng và thực dụng trong cuộc sống là điều thể hiện rõ nhất. Điều đó chỉ rõ vì sao công tác kết nạp đảng viên ngày càng khó; đảng viên nghỉ hưu chuyển công tác về địa phương nhưng không thiết tha sinh hoạt Đảng, thậm chí bỏ sinh hoạt Đảng. “Tôi cho rằng đây là biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị cần hết sức quan tâm. Năm 2019, Đảng bộ TP. Pleiku chỉ kết nạp 127 đảng viên nhưng cho ra khỏi Đảng 54 đảng viên. Mặc dù đã tích cực tuyên truyền, động viên, thuyết phục nhưng số đảng viên này không thiết tha với lý tưởng của Đảng; cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, ban ngành nghỉ hưu về sinh sống trên địa bàn thành phố không tham gia sinh hoạt Đảng và có dấu hiệu suy thoái, thực dụng”-Bí thư Thành ủy Pleiku nêu thực trạng.
Khẳng định về kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn cho rằng, hiệu quả công tác, vai trò và uy tín của các cấp ủy tổ chức Đảng trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố. “Tuy nhiên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên có dấu hiệu đáng lo ngại. Tình trạng đảng viên có biểu hiện suy giảm tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật còn xảy ra trong Đảng bộ huyện”-Bí thư Huyện ủy Ia Pa nói.
Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.N
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.N
Để khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng đảng viên, theo Bí thư Thành ủy Pleiku, việc kết nạp đảng viên mới cần chú trọng chất lượng đầu vào. Chỉ kết nạp những người thật sự thiết tha với sự nghiệp của Đảng, tiền phong gương mẫu; số không thiết tha sinh hoạt thì cho ra khỏi Đảng, không níu kéo bằng mọi cách. Bí thư Thành ủy Pleiku đề nghị trong nhiệm kỳ tới cần xem xét tính toán lại tỷ lệ kết nạp đảng viên gắn với nâng cao chất lượng, tránh việc chạy theo số lượng. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tránh đơn điệu, hình thức; tập trung vào công tác xây dựng Đảng.
Tham gia góp ý về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương cho rằng, cần đổi mới phương pháp quán triệt thực hiện nghị quyết Trung ương của cấp ủy, đẩy nhanh tiến độ đưa nghị quyết đến cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng các tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ; hướng dẫn, bổ sung thực hiện nghị quyết, đồng thời tháo gỡ những lúng túng, vướng mắc trong sinh hoạt chuyên đề ở các tổ chức Đảng. Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, vi phạm kỷ luật của Đảng.  
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: M.N
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: M.N
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế đã được nêu ra, nhìn nhận. Do đó, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục bám sát Kế hoạch số 04 của Bộ Chính trị và Chương trình số 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu để đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chương trình, kế hoạch phù hợp với từng địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát; phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần cảnh báo, phòng ngừa sai phạm.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm