Đó là mệnh lệnh mà người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải trong phiên họp triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành chứng khoán hôm qua 28/2.
Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK). “Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK”, ông nói. Thủ tướng khẳng định, khi thị trường có biến động nào đó, ông luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh…
Lần đầu tiên ngành chứng khoán vinh dự đón Thủ tướng dự một hội nghị thường niên. Nhưng năm nay, bối cảnh diễn ra hội nghị cũng rất đặc biệt. Thứ nhất, chưa bao giờ nhiệm vụ nâng hạng lại quan trọng và nóng, được Chính phủ quan tâm đến vậy. Thứ hai, hội nghị diễn ra ngay sau khi cơ quan điều tra công bố thông tin về đại án thao túng giá cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC mà điểm nhấn của vụ án nằm chính tại các chiêu trò như tăng vốn khống, mua bán làm giá đi kèm sự tiếp tay của không ít quan chức ngành chứng khoán nay cũng đã dính vòng lao lý.
Nhìn lại, sau vài năm lỗi hẹn, đến giờ này điều nhà điều hành “đau đáu” với chứng khoán nhất đó là làm thế nào để Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi. (Hiện, chúng ta đang được FTSE và MSCI xếp vào thị trường cận biên. Để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn của các tổ chức này). Ai cũng biết, nâng hạng đồng nghĩa với thị trường vốn Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng tỷ đô la vốn ngoại đến từ các quỹ. Bên cạnh, để nâng hạng được, chắc chắn TTCK phải khắc phục được những tồn tại, yếu kém trong một thời gian dài…
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại diện doanh nghiệp niêm yết từ những đơn vị có tên tuổi đều thừa nhận lợi ích mà họ đạt được qua thời gian niêm yết trên thị trường, đầu tiên đó chính là huy động vốn. Theo đại diện Vingroup, những năm qua, nhờ có TTCK mà doanh nghiệp đã có thể huy động một nguồn lực lớn giúp Tập đoàn vượt qua các thời điểm cam go, cũng như có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án lớn. Quan tâm nhưng thẳng thắn, tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ ra những yếu kém của TTCK Việt Nam còn tồn tại và yêu cầu cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục, như: Vấn đề xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý; tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ; chế tài xử lý, xử phạt chưa nghiêm minh, chưa kịp thời; công nghệ hệ thống quản trị…
Những điểm nghẽn, tồn tại, này theo Thủ tướng chính là vấn đề nổi cộm của TTCK. Nếu cơ quan quản lý điều hành sớm tháo gỡ được, thì cùng với mục tiêu nâng hạng, chứng khoán Việt sẽ đứng trước cơ hội vàng đón dòng vốn ngoại hàng tỷ USD cũng như nâng sức mạnh cho hàng trăm doanh nghiệp niêm yết - từ đó góp phần thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng, phát triển kinh tế Việt Nam bứt phá đi lên mạnh mẽ.