Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD-ĐT. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH MINH THUẬN-Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh nội dung này.

- P.V: Xin ông cho biết đôi nét về tổng quan cơ sở vật chất cũng như nhân lực của toàn ngành trong năm học 2017-2018?

 

 

Ông HUỲNH MINH THUẬN: Năm học này, toàn ngành GD-ĐT có 833 đơn vị trường học bậc Mầm non và Phổ thông. Như vậy, so với năm học trước đã tăng lên 6 trường gồm 2 trường Tiểu học và 4 trường Mầm non ngoài công lập. Giáo dục đại học và các trung tâm giáo dục thường xuyên không có thay đổi về số lượng (1 trường cao đẳng sư phạm; 2 phân hiệu trường đại học; 249 cơ sở giáo dục thường xuyên-PV).

Nhìn chung, quy mô trường lớp hiện nay đảm bảo nhu cầu của người học, không có trường hợp nào không được đi học vì thiếu trường, thiếu lớp. Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương. Đầu năm học mới 2017-2018, toàn ngành có hơn 25 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên (giáo viên 18.356 người; cán bộ quản ly: 1.998 người và 4.854 nhân viên);  gần 383 ngàn học sinh với hơn 14 ngàn lớp học. So với định mức biên chế theo quy định tại các văn bản hiện hành thì hiện toàn tỉnh còn thiếu giáo viên bậc học Mầm non và Tiểu học. Đối với giáo viên bậc Trung học thì vẫn còn việc thừa thiếu cục bộ giữa các địa phương, giữa vùng thuận lợi và khó khăn, giữa các môn học. Sở GD-ĐT sẽ xem xét, đề xuất để điều chỉnh tình trạng này để đảm bảo công tác dạy và học tại các đơn vị.

- P.V: Trong năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT sẽ có những giải pháp gì để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng dạy và học, thưa ông?

 

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp trường. Ảnh: K.N.B

Ông HUỲNH MINH THUẬN: Trong năm học này, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục. Địa phương cùng với phụ huynh học sinh phải có trách nhiệm và phối hợp với nhà trường trong việc vận động học sinh ra lớp cũng như duy trì sĩ số, chống lưu ban, bỏ học. Ngành sẽ phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh rà soát lại thực trạng, lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới, có kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Khuyến khích giáo viên sử dụng và tự làm đồ dùng dạy học, bổ sung thiết bị căn cứ vào danh mục thiết bị và đồ dùng dạy học tối thiểu do Bộ GD-ĐT ban hành, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
 

Sáng nay (5-9), 382.672 học sinh Mầm non và Phổ thông của 833 trường học trên địa bàn tỉnh tham dự lễ khai giảng năm học 2017-2018. Thực hiện “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2017-2018 vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5-9 với đầy đủ phần lễ và hội.

Trong năm học này, ngành GD-ĐT xác định tập trung nhiệm vụ tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tăng cường thí nghiệm, thực hành; điều chỉnh nội dung dạy học đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; áp dụng mô hình trường học mới phù hợp với điều kiện của địa phương; đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện tốt đổi mới đánh giá học sinh; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số...

Ngoài ra, ngành sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra kịp thời để chấn chỉnh những hạn chế, bất cập; triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc. Khuyến khích các đơn vị tổ chức có hiệu quả các hội nghị chuyên đề, các đợt tập huấn chuyên môn nhằm đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tập trung vào những nội dung mới, những giải pháp để điều chỉnh kế hoạch, chương trình, nội dung dạy học; soạn giảng, điều chỉnh nhịp độ dạy học phù hợp với đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học; tiếp tục chỉ đạo công tác ôn tập và phụ đạo học sinh yếu, kém nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà bên cạnh việc tập trung phát triển giáo dục mũi nhọn.

- P.V: Trong năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đã phát động một số phong trào thi đua và gặt hái được những kết quả đáng mừng. Vậy trong năm học này, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục phát động những phong trào thi đua nào để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện?

Ông HUỲNH MINH THUẬN: Trong năm học 2017-2018, ngành tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, “Giỏi việc trường-Đảm việc nhà”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD-ĐT phát động. Ngoài ra, Sở GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện, duy trì và phát động phong trào thi đua chuyên đề “Duy trì sĩ số học sinh năm học 2017-2018”, “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018” và phong trào thi đua chuyên đề “Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp”. Mục đích chung của các phong trào thi đua là tạo ra động lực và mục tiêu rõ ràng cho các đơn vị phấn đấu thực hiện để xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, tất cả vì học sinh.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Giang (Thực hiện)

Có thể bạn quan tâm